Nói đến cải sửa lỗi lầm đa phần mọi người chỉ nghĩ đến những lỗi lầm lớn, còn đối với những lỗi lầm nhỏ thì thường rất xem nhẹ mà cho qua. Đây chính là sơ sót nghiêm trọng nhất. Vì sao? Vì lỗi lầm tuy nhỏ chẳng đáng kể, nhưng mỗi ngày tích chứa một ít thì nhất định có ngày sẽ trở thành lỗi lớn. Do đó trong việc cải sửa lỗi lầm thì dù là lỗi lớn hay nhỏ cũng không được xem thường bỏ qua. Chúng ta phải từ trên tất cả lỗi lầm của chính mà cải sửa lại cho đúng, đây mới là chân thật sửa lỗi.
Cái gốc của tất cả lỗi lầm chính là tham. Cái tâm tham chước từ trên mọi hoàn cảnh mà phát sanh. Nếu tham được thì liền đắm nhiễm, mê luyến chẳng muốn rời xa. Nếu tham không được thì liền sân hận tật đố. Trong cái tham này thì tham nhiễm ái dục chính là căn bệnh chung của tất cả người trên thế gian, mà không biết rằng tình dục này không phải thật. Trong tình dục này có vui? Không sai, Thánh nhân cũng không phản đối, nhưng cái giá mà ta phải trả lại quá lớn. Nếu không phải trong Kinh Đức Phật nói cho chúng ta biết tường tận thì chính chúng ta cũng không thể biết rằng cái giá phải trả lại lớn đến dường nào, cái giá này chính là trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo. Nếu chúng ta đã biết đường luân hồi đáng sợ, thì phải biết rằng thế gian và xuất thế gian không gì đáng sợ hơn điều này.
Các vị Thánh Hiền Nhân ở trong thế gian này có thể không lìa khỏi thất tình ngũ dục, thế nhưng họ rất xem nhẹ tình dục, mọi hành vi của họ trong ái dục là rất mực hợp lễ. Lễ thì nhất định rất có tiết độ, nói cách khác nó không được phóng túng quá đáng. Từ trên dòng lịch sử, chúng ta dễ dàng thấy được trong giáo dục của Thánh Hiền vợ chồng kết hôn sanh con để nối dỗi dòng tộc là việc phải làm, nhưng không vì thế mà họ chẳng biết tiết chế chừng mực, họ tuyệt đối không có chuyện phóng túng đắm nhiễm trong ái dục.
Vì sao phàm phu không thể trở thành Thánh Nhân? Gốc bệnh chính là đây, vì phàm phu không biết tự mình tiết chế trong ái dục, họ luôn cứ tuỳ thuận theo nhu cầu được thoả mãn ái dục của mình, để rồi chính mình cứ mãi trượt dài trong tham ái. Có người nói rằng:
_ ” Việc sinh hoạt tình dục phát sanh trên nhu cầu sinh lý, nên việc đòi hỏi được thoả mãn tình dục cũng là chuyện bình thường của con người, tại sao bắt chúng tôi phải tiết chế?”
Điều này không sai, từ trên nhu cầu sinh lý mà thoả mãn tình dục. Nhưng nếu từ trong sự thoả mãn đó mà đi đến đắm nhiễm, buông lung để rồi chính mình cứ mãi đọa lạc trong tam ác đạo, vậy có đáng hay không? Sự vui vẻ khoái cảm do tình dục mang đến chỉ là những giây phút ngắn tạm mà thôi, thế nhưng cái khổ trong tam ác đạo thì khổ không nói hết, đây chẳng phải là cái được không đủ để bù vào cái mất đó sao? Thật là chẳng đáng.
Vì thế, đối với cái tâm tham nhiễm ái dục này chúng ta chớ nên xem thường mà bỏ qua, để rồi mặc nhiên công nhận nó là nhu cần bình thường, thì lâu ngày sức mạnh của nó tích chứa sẽ mạnh hơn, khi đó nó sẽ dẫn dắt con người gây tạo vô lượng vô biên tội lỗi chỉ để thoả mãn cái tâm tham nhiễm mà thôi.
Đặc biệt là đối với người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nếu đã vọng cầu Tây Phương Cực Lạc mà lại dung túng chính mình chìm đắm trong ái dục, vậy thì con đường Tây Phương này chẳng thể đi được đến đích. Vì sao? Vì tuy bạn vọng cầu Tây Phương, nhưng lại không không ngừng gieo nhân luân hồi lục đạo, cái nhân luân hồi này mỗi ngày mỗi tích chứa thêm nhiều, đến một lúc nào đó khi nó thật sự lớn mạnh rồi thì việc nó lôi chính bạn đi vào luân hồi là việc không tránh khỏi, vậy thì con đường Tây Phương chỉ đành chờ đợi ở một kiếp kế tiếp mà thôi.
Cho nên, chúng ta nếu có thể thiểu dục tri túc, an phận trong mọi hoàn cảnh, tiết chế trong mọi sinh hoạt thì nhân phẩm cũng vì thế mà tự nhiên trở nên cao cả, con đường Tây Phương mới có thể thuận buồm xuôi gió, cuộc sống theo đó làm sao mà không được an vui hạnh phúc chứ!
A Di Đà Phật!
_ Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không_