Các đồng tu đọc kinh, hãy tính toán cặn kẽ, quý vị mới biết [nên làm như thế nào]. Sau đó, tuân thủ giáo huấn của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát: “Nhất tâm xưng niệm, buông xuống muôn duyên”.
Đời này, quý vị phát nguyện cầu sanh Tây Phương, tu học pháp môn Niệm Phật, suốt một đời nương vào một bộ kinh, một câu danh hiệu, quý vị là bậc thượng thượng căn, chẳng có ai thù thắng hơn quý vị. Quý vị quyết định được vãng sanh!
Quý vị ngại một bộ kinh rất buồn tẻ, quá ít, được rồi, hãy niệm Tịnh Độ năm kinh một luận, quý vị là hạng trung căn.
Chê năm kinh một luận còn ít, lại thêm một chút, niệm các kinh sách Tịnh Độ nhiều hơn một chút, Tịnh Độ Thập Yếu, ấn Quang Đại Sư Văn Sao. Hiện thời, Đài Loan biên tập Tịnh Độ Tùng Thư có tới hai mươi mấy tập, quý vị phát tâm niệm những thứ ấy, quý vị là kẻ hạ căn, chắc cũng còn có thể vãng sanh, nhưng không nhất định!
Nếu nói những thứ ấy vẫn chưa đủ, vẫn mong niệm [kinh sách của] Thiên Thai, Duy Thức, Hoa Nghiêm, lại niệm những kinh luận khác, chỉ có thể nói là quý vị gieo một tí thiện căn trong Phật môn, quyết định luân hồi, chẳng thể vãng sanh!
Cổ nhân thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nhất là đối với pháp môn này, lỡ làng đời này, thật sự quá đáng tiếc. Chúng ta có thiện căn hay không? Có phước đức hay không? Hãy nhìn từ chỗ này! Thâm nhập một môn, đó là thiện căn và phước đức sâu dầy khôn sánh. Hễ còn phải học tràn lan khá nhiều pháp môn, tín tâm sẽ chẳng thể kiến lập, chẳng thể viên giải, chẳng nhận thức Tịnh Độ rõ ràng. Đó là thiện căn mỏng manh, mà phước đức cũng mỏng tanh!
Trích từ bài giảng A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa tập 239 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.