Người tại gia học Phật có thể mặc áo in danh hiệu A Di Đà Phật, có thể đeo xâu chuỗi hay thậm chí có thể “chưng diện” được hay không? thảy đều là có thể được, quý vị xem Bồ Tát Quán Thế Âm ăn mặc rất đẹp đẽ, vì sao các vị chẳng học tập theo ngài?
Khi xưa, tôi cũng thường đến Hương Cảng giảng kinh, thấy trên đường phố Hương Cảng vào mùa Hè, thanh niên mặc T-shirt, hình vẽ trước sau toàn là yêu ma quỷ quái.
Sau khi thấy vậy, tôi liền nẩy sanh ý niệm. Chúng tôi cũng làm mấy cái áo T-shirt, trước sau đều in chữ “A Di Đà Phật”, mặc trên người đi một vòng ngoài đường, quý vị thấy đã độ bao nhiêu người! Mỗi cá nhân trông thấy đều niệm một tiếng Phật hiệu.
Tuy họ không niệm, nhưng mắt họ trông thấy. Một phen lướt qua mắt, vĩnh viễn là hạt giống đạo! Sau khi đã làm xong, loại áo ấy cũng được lưu hành.
Hiện thời, Tịnh Tông Học Hội ở các nơi trên cả thế giới đều làm, đều là in những câu trong kinh Phật hoặc danh hiệu Phật.
Có người nói: “In danh hiệu A Di Đà Phật trên quần áo rất thiếu cung kính, giặt quần áo sẽ chẳng cung kính”. Chẳng sao cả! A Di Đà Phật chẳng quở trách quý vị.
Quý vị có thể khiến cho nhiều người ngần ấy được gieo chủng tử A Di Đà Phật trong A Lại Da Thức. Công đức ấy to lớn, phải hiểu đạo lý này.
Hễ lướt qua mắt, hễ thoảng qua tai, sẽ vĩnh viễn là hạt giống đạo!
Niệm nào cũng đều nghĩ dùng phương pháp nào để khuyên người khác niệm Phật. Đấy là lúc ban đầu khiến cho họ có ấn tượng, tức là có ấn tượng về Phật giáo. Đấy là chủng tử bậc nhất.
Đối với kẻ chẳng có thiện căn thì gieo thiện căn cho họ. Đã có thiện căn, bèn giúp cho họ tăng trưởng.
Thiện căn đã chín muồi, bèn giúp họ thành tựu. Niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ là thành tựu.
Suốt một đời này, tận tâm tận lực giúp đỡ chúng sanh hữu duyên. Phàm là những người mà ta được tiếp xúc đều là hữu duyên.
Chúng ta đi trên đường phố một vòng, những người trên đường khi ấy thảy đều là hữu duyên.
Do vậy, các đồng tu tại gia có thể đeo một chuỗi tràng hạt hay không?
Có người nói “Kẻ tại gia chẳng thể đeo”
Tôi nói: Chúng ta là người học Phật, trong Tứ Y Pháp của Phật, y pháp, bất y nhân.
“Tại gia chẳng thể đeo tràng hạt” được nói trong bộ kinh nào? Chẳng có! Đức Phật đã chẳng nói [như vậy], vì sao chẳng thể đeo?
Quý vị đeo tràng hạt sẽ rất rõ rệt, quý vị đi đến đâu, bao nhiêu người trông thấy: “Đấy là Phật giáo, đấy là A Di Đà Phật”.
Quý vị đã tiếp dẫn bao nhiêu người! Bất quá đối với tại gia đồng tu, tôi dạy mọi người cách đeo tràng hạt.
Người xuất gia đeo sao cho tua tràng hạt ở đằng sau, đồng tu tại gia khi đeo tràng hạt, nên để tua tràng hạt đằng trước.
Cách đeo như vậy, tua tràng hạt ở đằng trước, đấy là chỗ khác biệt so với người xuất gia.
Làm như vậy cũng có thể khiến cho khá nhiều chúng sanh khi trông thấy, ấn tượng về Phật sẽ gieo vào tâm họ.
Đấy là “tự độ, độ tha” mà chúng ta đang nói trong hôm nay, phải hiểu điều này. Nếu có người đến hỏi, chúng ta nhất định giới thiệu Phật pháp rành mạch, rõ ràng với họ.
Học Phật thì trước hết là phải tu chính mình; vì thế, nói là “Vi thắng”, tức là tự hành tự lợi viên mãn.
“Vi thắng” là tướng mạo phải tốt đẹp, thân thể phải tốt đẹp, khiến cho người khác trông thấy sanh tâm hoan hỷ.
Chớ nên khiến cho người ta trông thấy: Đó là kẻ ăn chay, mặt mũi vàng vọt, gầy quắt queo, dáng vẻ phờ phạc, ai dám học Phật?
Học Phật mà [trở thành] dáng vẻ như vậy, chẳng có ai dám học Phật! Vì thế, quần áo chẳng cần quá lộng lẫy, nhưng cũng chớ nên quá lỗi thời, mặc đúng theo kiểu phổ biến, khiến cho người ta nghĩ “Học Phật cũng có thể chưng diện”.
Quý vị thấy Quán Thế Âm Bồ Tát ăn mặc rất đẹp đẽ, vì sao các vị chẳng học theo Ngài?
Trong Phật pháp, quý vị thấy đức Phật dạy chúng ta: “Bồ Tát sở tại chi xứ, linh nhất thiết chúng sanh sanh hoan hỷ tâm” (Bồ Tát ở chỗ nào đều khiến cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ), quý vị đã quên bẵng câu này rồi sao? Luôn luôn khiến cho hết thảy chúng sanh sanh lòng hoan hỷ!
Diện mạo biểu hiện sự thành tựu trong sự học Phật của quý vị. Quý vị tâm địa từ bi, tướng mạo sẽ là tướng từ bi. Tâm quý vị thanh tịnh, tướng mạo của quý vị là thanh tịnh.
Người khác trông thấy tướng mạo ấy sẽ khiến cho lòng người ta bị nhiếp phục, sanh lòng hoan hỷ, mong thân cận quý vị. Như vậy thì quý vị sẽ dễ dạy họ.
Từ tuổi trung niên trở lên, chẳng có ai không coi trọng thân thể khỏe mạnh. Khỏe mạnh, sống lâu rất được coi trọng. Họ thấy dáng vẻ quý vị như vậy, nhất định sẽ hướng về quý vị thỉnh giáo. Vậy là quý vị có thể nói với họ!
Khi tôi đến khắp nơi trên thế giới, hình tượng này đã độ rất nhiều người.
Mọi người đều đến hỏi: “Thưa pháp sư! Thầy bảo dưỡng thân thể như thế nào?”
Tôi bảo họ: “Ăn chay, tâm thanh tịnh”.
Tâm thanh tịnh chẳng dễ dàng, như thế nào thì mới đạt được cái tâm thanh tịnh?
Niệm A Di Đà Phật. Dùng một câu Phật hiệu này để thay thế tất cả các tạp niệm của quý vị.
Quý vị thấy họ đến thỉnh giáo, ngay lập tức bèn truyền dạy cho họ. Họ có nhu cầu bức thiết; đấy là cơ hội giáo dục.
Chủ giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Tịnh Hạnh phẩm thứ 11, tập 1490.
Hoan nghênh copy chia sẻ công đức Vô Lượng
A Di Đà Phật