Chúng ta sống ở thế gian này, nhất định phải giác ngộ mạng sống vô cùng mong manh, thế gian này chắc chắn không thể ở lâu, tất cả mọi cảnh giới đều như mây khói thoảng qua, xem chơi mà thôi. Có thứ gì bạn có thể nắm bắt được, có cái nào bạn có thể giữ được? Mọi thứ đều không giữ được, kể cả cái thân thể này của mình cũng không giữ được, huống hồ là vật ngoài thân. Do đó xả là điều nhất định phải làm. Bạn muốn hỏi lý do gì? Không có lý do gì cả ! “Xả” là chắc chắn chính xác, thuật ngữ nhà Phật nói: “Pháp vốn như vậy”.
Tất cả chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, có vị nào không xả đâu? Chúng ta hãy xem 28 tầng trời, tại sao trời có 28 tầng vậy? Chúng ta thấy rõ ràng, là do họ xả nhiều hay ít. Xả được ít thì vị trí của họ thấp, xả được nhiều thì vị trí của họ được lên cao. Đối với ngũ dục lục trần, sự thì buông xả hết rồi, nhưng ý niệm chưa xả hết thì sanh thiên, sanh về trời Dục Giới. Ý niệm hưởng thụ danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần đều không còn nữa, đều xả hết thì họ sanh về trời Sắc Giới. Trời Sắc Giới còn có sắc thân, nếu như cái sắc thân này cũng xả bỏ luôn, cái ý niệm này đều không còn thì sanh về trời Vô Sắc Giới. Điều này là rất rõ ràng, xả được càng nhiều thì địa vị sanh càng cao. Đến Như Lai quả địa cứu cánh, đem một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng của Bồ Tát Đẳng Giác cũng xả sạch luôn, họ chứng được quả vị cứu cánh viên mãn. Một phẩm sanh tướng vô minh đó vẫn còn, chưa xả hết, họ là Đẳng Giác Bồ Tát. Từ đó cho thấy, Pháp thế xuất thế gian, sở dĩ nói với bạn nhiều phẩm vị như vậy, phẩm vị hình thành như thế nào? Chính là xả nhiều hay ít mà thôi. Đạo lý, chân tướng sự thật này chúng ta không thể không biết.
Thuận cảnh, người thế gian gọi là “sự sự như ý”, người thiện, người, vật mà bạn ưa thích, loại cảnh giới này dễ dàng khởi tâm tham luyến (trong phiền não gọi là “ái biệt ly” chính là nói về cảnh giới này). Nghịch cảnh, đời sống khó khăn vất vả, người ác, oan gia đối đầu của mình, rơi vào trong cảnh giới này thì tâm không tự tại, tâm sân hận dễ dàng hiện tiền, tiếng oán đầy đường, oán trời, trách người. Cảnh giới của phàm phu sáu cõi không ngoài như thế.
Chúng ta không rõ chân tướng của nhân quả, cho nên thuận cảnh khởi tâm tham, nghịch cảnh khởi tâm sân hận, thế là nghiệp này càng tạo càng nặng, quả báo ngày càng đọa lạc xuống, muốn nâng lên thật là quá khó. Cho nên ở trong sáu cõi, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, đi lên thì quá khó, đọa lạc xuống thì rất dễ dàng. Như vậy chúng ta liền có thể thể hội được, chúng sanh luân hồi trong sáu cõi, lúc nào đời sau cũng tệ hơn đời trước, chỉ có gặp được giáo huấn Thánh Hiền mới có cơ duyên được nâng cao lên. Cái cơ duyên này không nhiều, hiện nay trên thế giới gần bảy tỉ người, được mấy phần, mấy người ở trong đời gặp được giáo huấn Thánh Hiền? Trước đây một thế kỷ, người gặp được giáo huấn Thánh Hiền phần lớn đều được thăng tiến. Thế kỷ trước mắt này, cho dù gặp được giáo huấn Thánh Hiền vẫn cứ bị đọa lạc xuống thêm, nguyên nhân ở đâu vậy? Là do không thắng nổi phiền não, không ngăn nổi cám dỗ (hiện nay sức cám dỗ của xã hội này quá lớn).
Ngạn ngữ thường nói: “Biết rất rõ, không nhẫn được”. Đạo lý mà Thánh nhân nói không sai, là rất hay, nhưng trong thực tế thì họ không nhẫn được. Không nhẫn được, họ không thể tùy thuận theo giáo huấn Thánh Hiền, vẫn cứ tùy thuận theo tham sân si mạn của mình, vẫn cứ tùy thuận tự tư tự lợi của mình, thì đọa lạc như cũ. Biết rõ mà cố phạm thì có cách gì ? Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, hiểu cạn cợt vẫn không được, phải hiểu sâu lý của nó, hiểu sâu sắc chân tướng sự thật.
Trích : Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo – Tập 49
Chủ Giảng : HT.Thượng Tịnh Hạ Không.