Quý vị phát nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh, đúng như Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, cho đến nguyện cuối cùng là “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, quý vị “thành” bằng cách nào? Nếu quý vị chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thưa quý vị, bốn nguyện ấy đều là rỗng tuếch, hữu danh vô thực. Quý vị mong độ chúng sanh, nhưng chẳng có năng lực, độ không được! Quý vị muốn đoạn phiền não, cũng chẳng đoạn phiền não được! Phiền não chẳng tăng trưởng thì coi như còn khá, sợ là phiền não mỗi ngày một tăng trưởng.
Nếu chẳng đoạn, nó sẽ là tăng trưởng mỗi ngày, đáng sợ quá! Quý vị học pháp môn thì cũng chẳng học được! Trong thế gian hiện thời, chẳng có
thầy tốt, đồng tham đạo hữu tốt đẹp cũng chẳng có, hoàn cảnh tốt đẹp cũng chẳng có, đến nơi đâu để học? Chẳng có chỗ nào để học! Chẳng cần phải nói đến chuyện thành Phật nữa! Vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, chẳng thể thành Phật! Do vậy, muốn thực hiện Tứ Hoằng Thệ Nguyện, phương pháp duy nhất là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Vì thế, trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã giải thích thẳng thừng về “phát Bồ Đề tâm”, Ngài nói: Phát Bồ Đề tâm là gì? Tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Từ xưa tới nay, các tổ sư đại đức chưa hề nói như vậy. Chúng ta hãy suy nghĩ xem.
Ngài nói có lý hay không? Đúng là có. Vì Khởi Tín Luận giảng Bồ Đề tâm là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”; trong Quán Kinh, đức Phật giảng Bồ Đề tâm là “chí thành tâm, thâm tâm, phát nguyện hồi hướng tâm”. Một niệm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ba tâm ấy đều trọn đủ. Ngẫu Ích đại sư thật tuyệt vời, một câu nói toạc ra, chúng ta nghe xong liền hiểu rõ ràng, minh bạch, chẳng có chút nghi hoặc nào! Lại còn cảm thấy chúng ta có thể làm được! Quý vị nói “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”, nói cả nửa ngày, chúng ta vẫn chẳng hiểu rõ ràng, chẳng biết học từ chỗ nào? Càng giảng càng mơ hồ, chẳng thể hiểu rõ như cách giảng đơn giản của Ngẫu Ích đại sư, đấy là ưu điểm! Vì vậy, trong thời cận đại, các vị như Ấn Quang đại sư, các vị tổ sư đại đức đều công nhận sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư là sách chú giải kinh Di Đà bậc nhất, là bản chú giải hay nhất, đơn giản, dễ hiểu nhất. Ấn Quang đại sư tán thán: “Cổ Phật tái lai, A Di Đà Phật tái lai để soạn chú giải cho kinh A Di Đà cũng chẳng thể hay hơn được!” Đó là tán thán Yếu Giải đến tột bậc! Yếu Giải đơn giản, dễ hiểu, Sớ Sao rộng lớn, tinh vi, sâu xa. Nếu quý vị muốn biết tỉ mỉ, hãy học Sớ Sao; nếu muốn rất đơn giản nắm vững cương lãnh của kinh A Di Đà, hãy tìm trong Yếu Giải. Hai loại chú giải này hay nhất, có thể tham chiếu lẫn nhau. Trong giảng tòa, chúng tôi cũng luân lưu giảng hai bản chú giải này. Giảng xong Sớ Sao bèn giảng Yếu Giải. Giảng Yếu Giải xong lại giảng Sớ Sao. Chúng tôi luân lưu giáp vòng giảng hai bản chú giải này!
( Lược Trích : A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Trang 7 – Quyển V – Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không )