Nếu bạn viết những quyển sách, băng đĩa, tranh ảnh tà tri tà kiến, đồi truỵ…hướng dẫn lầm lạc chúng sanh thì quả báo của bạn sẽ thọ khổ trong địa ngục đến khi nào quyển sách, băng đĩa ấy biến mất trên thế gian, bạn mới thoát khỏi địa ngục
Kinh văn: Nếu gặp kẻ tà kiến thì dạy rõ quả báo thọ sanh ở vùng biên địa.
Tà tri tà kiến, tà tri kiến cũng phải coi họ tạo nghiệp cạn hay sâu, rộng hay hẹp. Nếu nghiệp ấy ảnh hưởng người khác ít thì quả báo của họ sẽ nhẹ; nếu tà tri tà kiến này ảnh hưởng nhiều người, thời gian ảnh hưởng lâu dài thì quả báo của họ sẽ nặng. Có người hỏi tôi, những bài do người có tà tri tà kiến viết ra, sách của họ viết ra, hướng dẫn lầm lạc chúng sanh, tương lai họ phải đọa địa ngục đến khi nào mới có thể thoát ra? Tôi nói với họ, tôi nói căn cứ vào kinh Phật. Những cuốn sách mà họ viết ra trên thế gian này một cuốn cũng tìm chẳng ra thì họ mới thoát khỏi địa ngục. Nếu có một thư viện nào đó còn giữ một cuốn thì họ còn rắc rối, họ sẽ chẳng thể thoát khỏi. Do đó có thể biết, sách họ in càng nhiều thì càng phiền phức, tội của họ sẽ càng nặng, họ ảnh hưởng đến nhiều người, thời gian ảnh hưởng dài, cái tội này nặng lắm.
Thế nên chúng ta nói chuyện cũng phải cẩn thận, nếu có thâu âm lại thì cũng giống như sách vậy, đến khi nào băng thâu âm này hoàn toàn bị hủy diệt trên thế gian này, hoàn toàn mất hết, thì bạn mới thoát ra khỏi địa ngục. Nếu còn một bộ được người ta giữ lại thì hỏng rồi, bạn sẽ chẳng thoát ra khỏi địa ngục. Người xưa thường nói: “Bịnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”, một tí cũng chẳng sai. Thế nên Bồ Tát dạy chúng ta “Nói ít một câu, niệm thêm một câu Phật”. Khi người ta nói chuyện mình nghe không rõ là tốt nhất, không cần biết họ nói cái gì, [mình cứ niệm] A Di Ðà Phật, niệm một câu này tốt hơn bất cứ cái gì. Tại sao? Chẳng cần phải nghe, đều chẳng có ý nghĩa, ngoài A Di Ðà Phật ra tất cả đều chẳng có ý nghĩa, bạn nghe những thứ ấy làm gì! Thật thà niệm Phật nhất định sẽ được sanh Tịnh Ðộ, nghe những thứ thị phi này, những lời nói bá láp này, nhất định sẽ tạo lục đạo luân hồi, tăng thêm tội nghiệp của mình, chẳng đáng chút nào.
“Biên địa thọ sanh”, biên địa là những chỗ mà ngày nay được gọi là văn hóa lạc hậu. Trong đời này người sanh ở những chỗ văn hóa lạc hậu thì sẽ chẳng có cơ hội được giáo dục, họ làm sao không ngu si cho được? Ngu si thì chắc chắn sẽ tạo tội nghiệp, thế nên quả báo này rất dễ sợ.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký – tập 14 / trang 230)