Chúng ta xem từ xưa đến nay biết bao nhiêu người tu hành thất bại, đọa lạc, trượt ngã. Nguyên nhân là gì? Là dùng ý niệm tham sân si để tu hành, dùng ý niệm tự tư tự lợi mà tu hành.
Vậy thì làm sao có thể thành công? Phương pháp để vun bồi cho chắc cái gốc chính là một môn thâm nhập. Trong một môn này thành tựu giới định huệ. Đây là một phương pháp vô cùng quan trọng. Sau khi huệ đã khai rồi mới học rộng nghe nhiều. Cho nên Tứ Hoằng Thệ Nguyện là con đường mà Phật dạy chúng ta tu hành, chúng ta phải tuần tự tiến dần lên.
Thứ nhất là phải phát nguyện. Thực tại mà nói ngày nay người tu hành chưa phát nguyện. Cho nên bạn cái gì cũng đều không thể thành công, bạn không phát nguyện thì bạn vẫn chưa bước vào cửa Phật. Phát cái nguyện gì? “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Câu nói này giảng như thế nào? Chúng sanh vô lượng vô biên, ta phải phát cái nguyện vì họ mà phục vụ. Các vị đã phát tâm này chưa? Vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, xả mình vì người. Qua lại với người mà trong lòng vẫn nghĩ làm thế nào để có chỗ tốt cho mình, có lợi ích cho mình. Sai rồi! Bạn đã mê rồi. Bạn làm sao có thể học Phật chứ? Bạn làm sao có thể vào cửa? Bạn hãy xem chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, thậm chí là Thanh Văn, Duyên Giác. Các Ngài đã phát cái tâm gì? Qua lại với chúng sanh luôn nghĩ đến việc chính mình có lợi ích gì đối với chúng sanh. Tuyệt đối không nghĩ đến chúng sanh có lợi ích gì với ta hay không, không nghĩ đến việc này, mà là ta có lợi ích gì đối với họ, ta có cống hiến gì cho họ hay không? Đây gọi là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Bạn không có cái tâm này, không có cái nguyện này thì bạn học Phật làm gì chứ? Học có nhiều hơn đi nữa thì bạn vẫn là chúng sanh trong lục đạo, bạn vẫn chưa vào cửa Phật. Bạn phải học Phật, Phật là xả mình vì người.
Kinh Kim Cang mọi người cũng đọc rất nhiều. Chư Phật Bồ Tát là “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Một lòng chân thành từ bi vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, giúp đỡ hết thảy chúng sanh giải trừ khổ nạn. Khổ nạn là có nguồn gốc. Gốc của khổ nạn là gì? Gốc là mê hoặc. Do đó, trong việc phục vụ giúp đỡ chúng sanh thì việc quan trọng nhất là giúp họ khai ngộ, phá mê khai ngộ, họ tự nhiên sẽ lìa khổ được vui. Vĩnh viễn lìa khổ, vĩnh viễn được vui. Đây là hạng mục quan trọng nhất trong vô lượng vô biên hạng mục.
Thích-ca Mâu-ni Phật đã biểu diễn cho chúng ta xem, 49 năm giảng kinh thuyết pháp chính là làm công tác phục vụ này. Đây là căn bản nhất, cũng là quan trọng nhất. Sau khi chúng ta hiểu rõ việc này, đã rõ lý rồi, sự đã rõ ràng rồi thì mới hiểu được tầm quan trọng của “nhất môn thâm nhập”. Một môn thâm nhập là học cái gì? Đoạn phiền não. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Đoạn phiền não chính là lúc nãy tôi vừa nói, đem tham sân si chuyển biến thành giới định huệ. Chính là làm công việc này. Một quyển Kinh Vô Lượng Thọ hoặc là một quyển Kinh A Di Đà thì đủ rồi. Bạn cần nhiều thêm để làm gì? Cổ Đại đức đã làm tấm gương cho chúng ta xem, cả một đời giảng một bộ Kinh A Di Đà, giảng hơn 300 lần. Đây là làm tấm gương tốt cho người hiện nay chúng ta. Người ta nếu mời Ngài làm cái khác, “tôi không biết, tôi chỉ biết giảng Kinh A Di Đà. Những cái khác tôi đều không biết. Các vị mời Pháp sư khác mà giảng”. Ngài đã thành công. Tâm của Ngài là định. Có phải Ngài không biết giảng những kinh khác hay không? Kinh nào Ngài cũng biết giảng nhưng Ngài không giảng, chính là làm một tấm gương tốt, chỉ ra một con đường sáng cho mọi người thoát ly lục đạo luân hồi, là con đường xán lạn để liễu sanh tử xuất tam giới.
Một môn thâm nhập chuyên tu chuyên hoằng. Bạn thích giảng Kinh Vô Lượng Thọ thì bạn cả đời cứ giảng bộ kinh này. Thích giảng Kinh Di Đà thì cả đời giảng Kinh Di Đà, không nên giảng nhiều. Ăn nhiều thì nuốt không trôi, làm quá nhiều quá tạp thì tâm bạn sẽ loạn. Giới định huệ của bạn hết thảy đều không có. Cho nên phải tinh chuyên.
A Di Đà Phật
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không.
Cung kính trích: THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN (Tập 121).