Trong xã hội ngày nay ta thấy có bao nhiêu người bị đói khát, bao nhiêu người bị giá lạnh, đây là do nguyên nhân gì vậy? Là do trong đời quá khứ họ không có tu phước nên trong mệnh của họ không có tài khố. Vậy có biện pháp gì để cải thiện hay không? Biện pháp thì nhất định là có, chỉ cần đời này họ chịu tích luỹ tài khố, bồi đắp tài khố, thì trong mạng sẽ lại có tài khố.
Tích luỹ và bồi đắp tài khố như thế nào vậy? Đó là bố thí, hoan hỷ mà đi bố thí. Không có tiền nhiều để bố thí không sao cả, nhưng 1, 2 đồng thì chắc là có, hãy thành tâm thành ý đem 1, 2 đồng này đi bố thí cứu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, trong tâm không mong cầu sẽ được đền đáp thì phước báo mà họ nhận lại đó sẽ vô cùng to lớn, ngang bằng với hư không pháp giới. Nếu họ có thể làm như vậy, kiên trì miệt mài mà đi làm, làm mấy năm cho đến mấy mươi năm, tài khố trong mệnh của họ nhất định sẽ đầy lên. Chúng ta thấy được rất nhiều người trong xã hội lúc còn trẻ thì khốn đốn, đến khi có tuổi hoặc về già thì được sung túc, trở nên giàu có, đạo lý chính là ở chổ này.
Đức Phật thường nói:
” Phước cầu không được, tu thì được”.
Đây chính là chân lý, chỉ cần bạn chịu tin tưởng, chịu chân thật đi làm thì nhất định sẽ gặt hái được hiệu quả không thể nghĩ bàn, người không có tài khố thì nhất định sẽ được tài khố, người đã sẵn có tài khố thì tài khố sẽ ngày càng sung túc, tràn đầy hơn.
Người không có trí tuệ thì tu bố thí pháp, tức là đem những điều hay lẽ phải, những thứ người khác không biết chỉ dạy lại cho họ, thì nhất định sẽ gặt hái được quả báo là thông minh trí tuệ.
Người thường hay bệnh hoạn ốm đau cho đến đoản mạng thì tu bố thí vô uý, tức là phóng sanh, ái hộ sanh mạng của tất cả chúng sanh, thì liền được mạnh khoẻ sống lâu.
Có thể nói bạn suốt đời ở nơi đó siêng năng, cần mẫn làm việc nhưng lại không có cách nào phát được tài, là nguyên nhân gì vậy? Đây là do bạn không hiểu được lý luận, phương pháp tu nhân để được quả, dẫn đến dù phấn đấu cả đời cũng không có được tài lộc như ý. Cho nên, chúng ta cần phải hiểu sự việc này cho thật rõ ràng, cho thật tường tận, để chúng ta trong cuộc sống hằng ngày chính mình biết được mình cần phải làm những gì, khởi tâm động niệm ra sao để tự cầu đa phước.
A Di Đà Phật!
Pháp ngữ của Pháp sư Tịnh Không.