Xin xem Kinh văn: ”Dầu cho chư Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự không nghĩ bàn của ông, trong ngàn vạn kiếp cũng chẳng nói hết được.”
Lời tán thán này đã đạt đến cùng cực, không những đức Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán là chẳng thể nghĩ bàn, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đồng thanh tán thán Ngài có trí huệ đức năng, thân ngữ ý từ bi giáo hóa. ‘Trong ngàn vạn kiếp’ là nói thời gian dài, ‘mười phương chư Phật’ là nói số lượng nhiều; thời gian dài như vậy tán thán cũng không hết. Chúng ta không thể lơ là bỏ sót đoạn kinh này, trên thực tế nó tiêu biểu cho tánh đức của tự tánh, một phần hiếu kính trong tánh đức, đức hạnh ấy chẳng thể nghĩ bàn, chư Phật Như Lai tán thán cũng không thể tán thán hết. Tánh đức của Bồ Tát khai hiển (khai triển, hiển hiện), mỗi người chúng ta cũng có đức năng giống hệt như Bồ Tát, đáng tiếc là đức năng này chưa được khai hiển, làm sao mới có thể khai hiển? Noi theo phương pháp dạy trong kinh này mà tu học thì có thể mở mang tánh đức. Do đó danh hiệu của Bồ Tát, tên của kinh này đều có hai chữ Địa Tạng. Địa tượng trưng cho tâm địa, Tạng tỷ dụ kho báu, tâm địa của chúng ta, lý địa chân tâm, trí huệ, thần lực, từ bi, biện tài đều chẳng thể nghĩ bàn, trong vô lượng đức năng ở đây chỉ nêu ra bốn thứ, trên thật tế thì mỗi loại đều chẳng thể nghĩ bàn.
Giống như các nhà tôn giáo ngày nay tán thán Thượng Đế, khen ngợi Thần, trong lời tán tụng gọi là toàn tri toàn năng, chẳng có gì không biết, chẳng có gì không thể, nói thật ra đó là tánh đức trong tự tánh của chúng ta. Ngày nay chúng ta hiểu được, biết chính mình có đức năng này thì phải giác ngộ, phải phấn chấn, khôi phục trí huệ đức năng của mình, không những độ mình mà còn có thể độ hết thảy chúng sanh. Do đó có thể biết, Thế Tôn giao phó cho Địa Tạng Bồ Tát, chúng ta hãy nghĩ coi có liên quan gì với chúng ta hay không? Nếu bạn hiểu rõ được ý nghĩa này thì sẽ biết nó có liên quan mật thiết với chúng ta. Chúng ta nương nhờ Địa Tạng Bồ Tát để làm duyên, vậy thì Địa Tạng Bồ Tát ở đâu? Những gì nói trong kinh này chính là Ngài; chúng ta có thể tin, có thể hiểu, có thể làm theo thì chúng ta chính là phân thân của Địa Tạng Bồ Tát, chúng ta sốt sắng không ngừng nâng cao cảnh giới thì chúng ta là một phân thân trong vô số phân thân của Địa Tạng Bồ Tát, đó mới gọi là thật sự tu học pháp môn này.
Trích lục từ: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký Tập 50, HT. Tịnh Không Chủ Giảng.