Chúng ta biết người thế gian nói đến tu phước, tu phước báo lớn nhất, phước báo thù thắng nhất là gì? Cổ nhân biết. Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế, quý vị thấy rất nhiều quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ họ đều biết, thỉnh Phật giảng kinh. Thời gian ngắn, năm ba ngày giảng một bộ tiểu kinh, nếu thời gian dài năm ba tháng, có thể giảng một bộ đại kinh.
Phước đức giảng kinh, âm dương đều được lợi ích! Mở pháp hội này, giảng kinh chính là pháp hội. Người đến nghe kinh giác ngộ, tiêu nghiệp chướng, khai trí tuệ. Chúng sanh mắt thịt chúng ta không nhìn thấy, nhân số đó nhiều hơn chúng ta, không biết nhiều hơn gấp bao nhiêu lần.
Họ đều đến nghe, đều được tiêu nghiệp chướng, khai trí tuệ. Lấy phước đức này hồi hướng khắp hư không pháp giới, hồi hướng cho khu vực này được tiêu trừ thiên tai thảm họa, trăm sự hưng vượng, quý vị xem công đức này lớn biết bao.
Thỉnh ai giảng
Đương nhiên thù thắng nhất là có tu có chứng, thỉnh người chứng quả đến giảng, công đức này rất lớn. Chưa chứng quả, bất đắc dĩ mới cầu đến họ, phải tìm người chân tu đến giảng, cũng có thể được phước.
Nếu người giảng không có tu hành, như vậy là biến thành pháp thế gian, hiện nay gọi là học giả, chuyên gia. Họ nói được nhưng không làm được, họ nói những lời trong kinh Phật đều là Phật Bồ Tát làm, chúng ta không làm được.
Nói cho chúng ta nghe về Tứ Thư Ngũ kinh, đây đều là những điều Khổng tử Mạnh tử thực hành, ta đều không làm được. Như vậy là biến thành gì? Biến thành thiện pháp thế gian, không thể nói không có lợi ích, có lợi ích, không lớn! Như vấn đề của xã hội hiện nay, không giải quyết được, càng không thể hóa giải thiên tai thảm họa trên địa cầu hiện nay.
Người tu hành chơn chánh, công đức này có thể hóa giải thiên tai, chứng quả càng không cần nói. Công đức tu học của người nhân gian, công đức hàng đầu là thỉnh giảng sư giảng kinh. Chư vị phải nhớ danh từ giảng sư này, đối với Phật pháp có tu hành, thật tu, thật sự có thể giảng đều gọi là giảng sư.
Danh từ giảng sư này không nhất định là gọi người xuất gia, cũng gọi hàng tại gia, đây là danh từ thuật ngữ trong Phật giáo, chúng ta nhất định phải biết. Hòa thượng, pháp sư, tại gia hay xuất gia đều có thể gọi, hàng tại gia cũng có thể gọi như vậy. Hòa thượng dịch sang tiếng Trung nghĩa là thân giáo sư, giống như thầy giáo dạy ở trường vậy.
Họ trực tiếp dạy mình, hiện nay gọi là giáo sư hướng dẫn, tôi xưng họ là thầy. Điều này rất thân thiết, họ trực tiếp dạy ta. Ở trường thầy giáo rất nhiều, họ không dạy ta, ta gọi họ là thầy, chính là pháp sư. Pháp sư không nhất định dạy ta, nhưng hòa thượng nhất định là người trực tiếp dạy ta.
Lúc chưa xuất gia tôi học Phật pháp với thầy là cư sĩ Lý Bỉnh Nam ( trong 10 năm) tôi gọi ông là thầy. Có rất nhiều pháp sư xuất gia, họ không dạy tôi, tôi gọi họ là pháp sư, không gọi thầy. Chỉ có tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, sa di ni, đây nhất định là người xuất gia.
Chúng ta phải hiểu rõ cách xưng hô này. Cho nên, dù nam nữ già trẻ, xuất gia tại gia, chỉ cần họ hiểu Phật pháp, họ có thể giảng Phật pháp cho ta nghe, chúng ta đều gọi họ là thầy. Vì thế tại gia cũng được gọi thầy, có thể làm thầy, mà còn có thể dạy học trò nữa.
Điều này khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế, đã thể hiện ra cho chúng thấy. Khi Thế Tôn tại thế, có vị cư sĩ tên Duy Ma Cật. Ông giảng kinh dạy học, quý vị thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật để đệ tử của mình là Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất, những người này đều đến nghe giảng.
Họ thấy cư sĩ Duy Ma Cật hành lễ giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vậy, đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu bên phải ba vòng, lễ nghi hoàn toàn giống nhau. Điều này nói rõ Phật pháp là sư đạo, thầy là lớn nhất. Duy Ma Cật là cư sĩ tại gia, nhưng ông thân phận của ông là bậc thầy. Ta tuy là người xuất gia, nhưng thân phận là học trò, cần phải Tôn sư Trọng đạo.
Do đây có thể biết, lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, là hai vị Phật đồng thời xuất thế. Một người thị hiện thân tại gia, một người thị hiện xuất gia. Đức Phật Thích Ca Mâu ni là Phật xuất gia, cư sĩ Duy Ma Cật là Phật tại gia, nhưng địa vị bình đẳng, không có cao thấp.
Vừa xuất gia cảm thấy ta rất đáng nể, mình là chúng trung tôn, phải cao hơn người khác một bậc, xuất gia như vậy có thể thành tựu chăng? Cao hơn một chút là sao? Là tâm ngạo mạn khởi lên, ta xuất gia không sanh trí tuệ sao lại sanh phiền não? Xuất gia sanh trí tuệ mới đúng, sanh phiền não là sai, đây là điều cần phải hiểu.
Những quy củ, những cách xưng hô này trong nhà Phật, sau đó ta mới biết Phật pháp là dạy học, thực tế nó không phải Tôn giáo. Mối liên quan của mình với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là quan hệ thầy trò, xưng Đức Phật Thích Ca là Bổn Sư, vị thầy sáng lập ra giáo pháp này:”Bổn Sư”. Tự xưng đệ tử, đệ tử là học sinh, chúng ta với Phật là quan hệ thầy trò, với Bồ Tát là quan hệ đồng học. Bồ Tát là học sinh khóa trước của Phật, chúng ta là khóa sau, là đồng học khóa trước khóa sau, là quan hệ này.
Tuy là đồng học nhưng họ có năng lực dẫn dắt chúng ta, cho nên chúng ta cũng tôn xưng họ là thầy. Nhưng Bồ Tát đối với chúng ta giống như huynh đệ vậy, rất yêu thương chúng ta, cũng luôn giúp đỡ chúng ta.
Chủ giảng: Hòa thượng , Lão Pháp sư Tịnh Không,
Trích:Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 242.