Ở trong đoạn này, nội dung vô cùng phong phú và sự giới thiệu của chúng tôi cũng chỉ đến đó là hết. Nội dung bên trong còn đưa ra tiểu bất hiếu và đại bất hiếu. Đây là nguyên nhân gì? Nguyên nhân vô cùng nhiều, vô cùng phức tạp. Mấy điểm mà chỗ này nêu ra cũng đáng để chúng ta làm tham khảo. Ngài nói, tiểu bất hiếu là do thói quen không tốt tạo nên.
Thứ nhất là từ nhỏ được cha mẹ nuông chìu, hình thành nên cá tính phản nghịch của nó. Việc này không thể nói là không có đạo lý. Cha mẹ nuông chìu, muốn gì được nấy, thứ gì cũng làm thỏa mãn ý của nó, đến tương lai có một ngày khi không thể thỏa mãn thì phiền phức liền đến ngay. Cho nên, con cái phải được dạy dỗ từ nhỏ, từ nhỏ phải biết nuôi dạy ra làm sao. Thế gian “việc bất như ý thì thường rất nhiều”, phải để chúng có chỗ thể hội, dứt khoát không để chúng kiêu ngạo, phóng túng. Điều hợp lý thì phải cho chúng, điều không hợp lý thì nhất định phải hạn chế chúng. Hiện nay người làm cha mẹ biết được đạo lý này cũng không nhiều.
Thứ hai là thói quen. Cổ nhân thường nói: “Tập thành từ nhỏ giống như bản tánh, tập quen thành tự nhiên”. Từ nhỏ phải hình thành thói quen tốt cho chúng, khi chúng còn nhỏ thì hình thành dễ dàng. Nếu chúng đã nhiễm phải thói quen xấu, muốn chúng sửa trở lại thì quả là một việc quá khó. Đây là chỗ lơ là trong giáo dục của chúng ta đối với trẻ thơ, không có chú ý hình thành một thói quen tốt từ nhỏ. Tiểu học của nhà Nho biết được đạo lý này. Trong Phật pháp, người mới xuất gia phải học giới trong năm năm, đây cũng là bồi dưỡng thói quen tốt. Nhưng mà hiện nay những việc này đều không còn, trong nhà Nho, nhà Phật đều không thấy nữa. Tập khí, tật xấu của chúng ta hằng ngày đang tăng trưởng, cho nên niệm Phật, tham thiền, học giáo đều không hiệu quả. Lên bục biết giảng kinh, nhưng xuống bục thì vẫn cứ phạm lỗi như cũ. Nguyên nhân gì vậy? Tập quen thành tự nhiên. Những tập khí này không dễ dàng khắc phục.
Thứ ba là túng dục. Dục vọng thì không có cùng tận, không biết được “biết đủ thường vui”. Điều thứ ba này cũng có thể nói là không biết đủ.
Thứ tư là quên ân, nhớ oán. Những người này làm sao có thể tận hiếu, làm sao có thể hành hiếu?
Tiểu bất hiếu có bốn nguyên nhân trên. Bốn nhân tố này khiến cả đời chúng ta sống ở trong tội ác nghiêm trọng, trong “Kinh Địa Tạng” nói: “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội lỗi”, hay nói cách khác, đời sống của chúng ta là sống ở trong tội báo.
Trong xã hội hiện nay, đi đến bất kỳ chỗ nào lòng người cũng đều lo sợ, trong tâm lý của mọi người đều có linh cảm giống như ngày tận thế sắp đến rồi. Ngày tận thế phải sống như thế nào? Nhà tôn giáo dạy người phải tin thượng đế, phải sám hối, phải sửa lỗi. Lời của họ nói không sai, nhưng mà hàm nghĩa rất mơ hồ, không rõ, cho nên hiệu quả vẫn không dễ dàng đạt được. Tin thượng đế, vậy thượng đế là gì và cách tin như thế nào? Ở phần trước chúng tôi đã giảng qua, đó là bản tâm chánh trực, vô tư. Từ đó cho thấy, chánh trực, vô tư chính là tin thượng đế. Chúng ta còn có một mảy may tự tư tự lợi thì đó là không tin thượng đế. Bạn không có sửa lỗi, bạn không có sám hối thì khi tai nạn này đến, bạn vẫn không thể sống qua được. Cho nên chúng ta có thể nhận thức trung, nhận thức hiếu, có thể học trung, học hiếu, tận trung, tận hiếu thì thế gian này sẽ không có tai nạn, tai nạn liền có thể tiêu trừ, người Hoa thường nói: “Gặp xấu hóa thành tốt, gặp nạn hóa ra lành”. Người nào có thể làm được vậy? Hiếu tử có thể làm được, trung thần có thể làm được.
Những công án này, trong lịch sử có quá nhiều, quá nhiều rồi. Tại sao trung thần, hiếu tử có thể làm được vậy? Tâm của trung thần, hiếu tử là tâm thuần thiện. Thuần là tâm yêu thương tất cả chúng sanh, thuần là tâm lợi ích tất cả chúng sanh thì dù cho hoàn cảnh tồi tệ như thế nào, tự nhiên nó sẽ chuyển đổi trở lại. Cảnh chuyển theo tâm chính là đạo lý này. Tâm chuyển cảnh giới, không phải cảnh giới chuyển tâm. Đây là có căn cứ lý luận. Chúng ta rõ lý thì sẽ biết cần phải làm như thế nào, sẽ biết cần phải hóa giải tai nạn trước mắt như thế nào. Một người hiểu rõ rồi, một người sốt sắng đi làm thì tai nạn của người này không còn nữa. Mọi người đều hiểu rõ rồi, mọi người đều chịu làm thì tai nạn cộng nghiệp sẽ không còn nữa. Nạn nước là do tâm tham, tâm tham làm tăng trưởng lũ lụt. Sân hận là lửa, núi lửa bùng phát, vũ khí hạt nhân bùng nổ, đó đều là thuộc về nạn lửa do tâm sân hận biến hiện ra. Ngu si là nạn gió. Cản trở, bất bình tạo nên nạn động đất. ý nghĩ như thế nào thì sẽ cảm nghiệp báo như thế ấy. Cho nên, chúng ta thật sự có thể y theo lời dạy của Phật, tu ba gốc thiện là không tham, không sân, không si; đối nhân xử thế tiếp vật, tôi đã giảng rồi, đó là “lễ nhượng, nhẫn nhượng và khiêm nhượng”, thì đời sống của chúng ta sống có ý nghĩa, sống có giá trị. Đây gọi là học Phật, như vậy mới là sống đời sống của Phật Bồ Tát. Cho nên chúng ta nhất định phải quay đầu, quay đầu 180 độ thì chúng ta mới có thể cứu mình, mới có thể giúp đỡ người khác.
(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên giảng giải, tập 25)