Kinh văn: Ngã kim hựu mông Phật phó chúc, chí A Dật Đa thành Phật dĩ lai, lục đạo chúng sanh khiển linh độ thoát. (Con nay lại được đức Phật phó chúc [từ nay] đến khi Ngài A Dật Ða thành Phật, phải làm cho chúng sanh trong lục đạo đều được độ thoát)
Phía trước chúng ta đã đọc qua, sau khi đức Phật nhập diệt, trong đoạn thời gian rất dài này, việc độ hóa chúng sanh khổ nạn Ngài đã giao phó cho Địa Tạng Bồ Tát. và hết thảy chư đại Bồ Tát tham dự pháp hội, nhưng Địa Tạng Bồ Tát là chính. Mấy câu nói ở chỗ này là Địa Tạng Bồ Tát nhận lời phó chúc của Thế Tôn, Ngài y giáo phụng hành, ngài đảm nhận. Hay nói cách khác, khi Phật không còn tại thế, ai sẽ thay thế Phật? Địa Tạng Bồ Tát thay thế Phật mãi cho đến khi đức Phật kế tiếp ra đời. Từ đây có thể biết, chúng ta thấy được trong bộ kinh này, thì cũng có thể thấy được hết thảy cõi nước chư Phật trong hư không pháp giới, hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát là tận hư không, khắp pháp giới; thế giới nào không có Phật xuất thế, người đại diện cho Phật đều là Địa Tạng Bồ Tát. Ngài không chỉ đại diện sau khi Thế Tôn diệt độ và trước khi Phật Di Lặc ra đời, mà ở hết thảy cõi nước chư Phật, trong khoảng thời gian đức Phật trước diệt độ và đức Phật kế tiếp ra đời, người thay mặt Phật độ hóa chúng sanh đều là Địa Tạng Bồ Tát.
Địa Tạng Bồ Tát đáng được người tôn kính, hoằng nguyện của Địa Tạng, chư Phật Như Lai không thể không tán thán, không thể không khâm phục. Tại sao vậy? Chúng sanh do Ngài độ là những chúng sanh khó độ nhất, những chúng sanh do Phật độ phần nhiều đều có căn cơ chín muồi rồi Phật mới xuất hiện để độ. Còn chúng sanh căn tánh chưa chín muồi, vẫn tạo tác tất cả tội nghiệp y như cũ, khó độ nhất thì Địa Tạng Bồ Tát đi độ. Vì thế bộ kinh này chúng ta phải đọc kỹ, phải nghĩ sâu, phải “thâm giải nghĩa thú”, sau đó mới biết bộ kinh này ở trong hết thảy kinh điển cũng thuộc về pháp luân căn bản. Đặc biệt là thế giới này của chúng ta hiện nay, nói về chúng sanh cõi Diêm Phù Đề, đây là pháp môn tu học căn bản của chúng ta. Sáng tỏ đạo lý này rồi, đích thật có thể diệt hết thảy tội, có thể tu hết thảy thiện, tại sao vậy? Bạn đã chân chánh hiểu rõ “chân – vọng, tà – chánh, thị – phi, thiện – ác”, bạn chân thật thông đạt rõ ràng, nhưng việc này thật không dễ dàng, nếu không có trí tuệ cao độ thì làm không được.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, tập 10)