Ăn chay chắc chắn có sự lợi ích. Tại sao vậy? vì thật sự “vĩnh ly sát sanh”. Những người đồ tể tại sao giết hại chúng sanh để bán thịt vậy? Bởi vì có người ăn. Nếu như thế gian này không có người ăn thịt chúng sanh, thì nghề này sẽ không còn nữa!
Trong tất cả kinh luận, chư Phật Bồ Tát không ngừng nói cho chúng ta biết sát sanh là điều nghiêm trọng nhất ở trong ác nghiệp, quả báo cũng là khổ nhất. Tuy trong bộ kinh này chỉ nói lợi ích và điểm tốt của không sát sanh, nhưng chúng ta nên hiểu rằng, tuy Phật không có nói quả báo của sát sanh, nhưng ngược với mười loại ly não pháp này chính là quả báo sát sanh. Trước đây, Ngẫu ích đại sư vì chúng ta đã làm công việc này, Ngài nói, sát sanh có mười loại ác báo, không sát sanh có mười loại thiện báo, Ngài đều viết ra từng điều từng điều cả. Chúng tôi phụ vào phần sau của bộ kinh này, quí vị có thể tham khảo. Trước tác này của Ngẫu ích đại sư có thể bù đắp vào phần chưa đủ của kinh văn. Quả thật mà nói, kinh văn là đầy đủ rồi, nhưng người đọc kinh chúng ta thường thường không thể hội được nên tổ sư đã giúp chúng ta. Vì vậy sát sanh nhất định phải đoạn trừ, phải đem ý nghĩ này trừ bỏ từ trong tâm mới gọi là chân thanh tịnh.
Phần trước, Phật nhiều lần dạy chúng ta ngày đêm phải thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không cho phép mảy may bất thiện xen tạp. Nếu như không sát sanh chúng ta làm được rồi, nhưng trong ý nghĩ vẫn không thanh tịnh thì đó gọi là xen tạp.
Trong giới luật của Đại, Tiểu Thừa, giới của Tiểu Thừa thì luận sự không luận tâm, giống như pháp luật thế gian chúng ta xử án vậy, nhất định phải có chứng cứ thực tế. Ví dụ sát sanh, quả thật là bạn đã giết chúng sanh thì mới có tội, nếu như trên thực tế không có giết thì không phạm tội, bạn khởi tâm động niệm muốn giết họ nhưng chưa có giết thì không phạm tội. Còn trong pháp Đại Thừa thì không như vậy. Pháp Đại Thừa là luận tâm không luận sự. Trong tâm bạn khởi ý nghĩ muốn sát hại chúng sanh này thì tội này liền thành lập. Từ đó cho thấy, ở trong thiện pháp của Tiểu Thừa có xen tạp bất thiện, trong thiện pháp của Đại Thừa hoàn toàn không cho phép xen tạp bất thiện. Ý nghĩ chính là bất thiện, ý nghĩ còn không có thì làm gì có hiện hành? Dứt khoát không thể có hiện hành. Chúng ta phải từ chỗ này mà bồi dưỡng thiện tâm chân thật của mình. Nhưng việc này thì rất khó, khó ở chỗ nào vậy? Chúng tôi ở trong các buổi giảng thường nói:
Thứ nhất, bản thân chúng ta phiền não tập khí quá nặng, khi nhìn thấy sự việc bất như ý, đặc biệt là chúng sanh đối với mình bất lợi thì ý nghĩ sát hại này liền khởi lên rồi. Điều khác nữa là tâm tham, nhìn thấy những động vật nhỏ này là muốn ăn nó rồi, đây thuộc về tâm tham. Tâm tham là bạn ưa thích nó, muốn ăn nó. Cho nên, bạn yêu nó cũng giết nó, hận nó cũng giết nó. Đây là tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay và cũng là một nhân tố làm bạn không có cách gì dứt ý nghĩ sát hại chúng sanh.
Thứ hai là không hiểu rõ chân tướng sự thật. Đây là thuộc về vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục thánh hiền. Nhà Nho nói không nghiêm khắc bằng Phật pháp, nhưng chúng ta cũng thường đọc thấy ở trong sách Nho: “Quân tử nên xa nhà bếp, nghe tiếng kêu gào mà không nhẫn tâm ăn thịt nó”. Hay nói cách khác, điều mà Nhà nho tán thành là ăn tam tịnh nhục: không nhìn thấy giết, không nghe thấy giết, không phải vì ta mà giết. Đây là thánh hiền của thế gian. Thánh hiền ở trong tôn giáo cũng chú ý đến vấn đề này. ở Singapore tín đồ Hồi giáo thì rất nhiều, các nước láng giềng chúng ta như Malaysia, Indonesia đều là quốc gia Hồi giáo. Bạn thử xem, trong kinh Coran nói: “Tể sát súc sanh đều phải có thầy truyền giáo đi cầu nguyện chúc phúc. Thịt súc sanh chưa được thầy tế chúc phúc thì không được ăn”, ở trong đây đều là có tâm thương yêu và lòng nhân từ. Phật pháp nói rất rốt ráo, không ăn thịt chúng sanh. Phật dạy mọi người ăn tam tịnh nhục là bất đắc dĩ, tại sao vậy? Năm xưa Phật còn tại thế, phương thức sống của các Ngài là khất thực. Phật pháp thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, quyết không nên làm cho tín đồ thêm phiền phức! Tín đồ ăn cái gì thì cúng dường cái ấy, dứt khoát không có phân biệt, không có chấp trước, vậy mới là ăn tam tịnh nhục.
Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, chế độ hành khất tiếp nhận sự cúng dường của tín đồ ở Trung Quốc không được lưu hành. Phật giáo thời kỳ đầu truyền đến Trung Quốc, những cao tăng đại đức ấn Độ là do quốc gia cúng dường. Thời gian lâu sau, quốc vương đại thần, bá tánh phổ thông đều biết cúng dường tam bảo. Nhưng vào thời kỳ đầu, đệ tử Phật vẫn còn ăn tam tịnh nhục, sau này Lương Võ Đế đề xướng và vận động ăn chay. Niên đại này thì tương đối muộn. Lương Võ Đế đọc kinh Lăng Già, trong kinh Phật nói: “Bồ Tát từ bi không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh”. Lương Võ Đế đọc đến đoạn kinh văn này thì rất cảm động, thế là tự ông liền không ăn thịt nữa. ông là đại hộ pháp trong nhà Phật, ông đề xướng ăn chay, cho nên hai chúng đệ tử xuất gia nhà Phật chúng ta lập tức liền hưởng ứng. Cho nên ngày nay, quí vị nên biết, Phật giáo trên toàn thế giới chỉ có Phật giáo Trung Quốc là ăn chay. Chúng ta đi du lịch đến quốc gia khác, nhìn thấy Phật giáo không ăn chay thì không nên cảm thấy kỳ lạ. Chúng ta cảm thấy họ rất kỳ lạ, họ cũng cảm thấy chúng ta rất kỳ lạ, cho nên chúng ta phải biết cội nguồn của lịch sử.
ăn chay chắc chắn có lợi ích. Tại sao vậy? Vì thật sự “vĩnh ly sát sanh”. Những người đồ tể tại sao giết hại chúng sanh để bán thịt vậy? Bởi vì có người ăn. Nếu như thế gian này không có người ăn thịt chúng sanh, thì nghề này sẽ không còn nữa. Từ đó cho thấy, dù cho chúng ta ăn tam tịnh nhục, nhưng tâm của chúng ta không thanh tịnh, nghiệp không thanh tịnh. Chúng ta thử nghĩ xem, những người đồ tể kia hằng ngày sát sanh, chúng ta là người ăn thịt, là khách hàng của họ, thì chúng ta cũng có một phần trách nhiệm, không thể trốn tránh được. Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ ăn chay chắc chắn có lợi ích.
(Trích: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh giảng giải, tập 16)