Tâm tánh của chúng sanh bằng với chư Phật. Do thiện nghiệp hay ác nghiệp mà quả báo chia thành con người hay súc sanh. Con người có tri thức, súc sanh chẳng có tài khéo. Cậy mạnh hiếp yếu, bèn giết chúng ăn thịt. Con nhà thành đạt còn chẳng vay nợ nặng, há nên giết thân chúng chỉ để sướng miệng, oán hận cố kết, trải bao kiếp đền trả lẫn nhau! Thử suy nghĩ đến đó, trong tâm đau thương. Vì vậy, bèn nhóm họp đồng nhân cùng lập ra hội này. Phàm trăm chuyện thù tiếp đều dùng đồ ăn chay, lập riêng quy ước và thuật duyên khởi, nguyện khắp cả những ai thấy nghe đều dốc lòng nghĩ chúng sanh như ruột thịt, coi chúng như chính bản thân mình.
Vốn là vì hết thảy những chúng sanh trên không, dưới nước, trên cạn, không một loài nào chẳng biết đau đớn, sướng – khổ, không một loài nào chẳng biết tham sống sợ chết, không một loài nào chẳng phải là cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, bằng hữu, thân thích trong vô lượng kiếp của chúng ta. Hơn nữa, trong đời vị lai không con vật nào chẳng thể gieo sâu thiện căn, tu trì Tịnh nghiệp, đoạn Hoặc chứng chân, viên thành Phật đạo; chỉ vì ác nghiệp đời trước, phải đọa trong dị loại. Do vậy, hãy nên sanh lòng thương xót che chở, khiến chúng đều được sống yên vui, há nên cậy mạnh hiếp yếu, hoặc dùng trí bắt lấy, hoặc dùng tiền mua lấy những loài ấy để cung cấp cho bụng miệng? Chúng nó tuy sức không chống cự lại được, nhưng cố nhiên tâm [oán hận] cố kết, cho nên trong đời đời kiếp kiếp lần lượt giết lẫn nhau. Vì thỏa bụng miệng một chốc để rồi thân mạng bị giết nhiều kiếp. So với chuyện tự giết mình còn khốc liệt hơn vạn phần. Sao lại khổ sở chuốc lấy chuyện tai ương, họa hại; sao lại ngu mê cùng cực đến thế?
Xưa kia, nước Lỗ có hai gã dũng sĩ, nghe tiếng nhau nhưng chưa gặp gỡ, một ngày kia gặp được nhau, mua rượu cùng uống. Một gã nói: “Không có thịt uống rượu chẳng vui, hãy đi mua thịt!” Gã kia đáp: “Thịt của tôi với anh đây nè, cần gì tìm nữa!” Gã trước cho rằng kiến giải ấy rất cao, liền trật áo cắt thịt mình để đôi bên cùng ăn. Gã sau lại cắt thịt mình để đáp tạ gã trước, dương dương tự đắc, cho là tình giao du của chúng ta quả thật là tha thiết. Cắt thịt, ăn thịt nhau mãi đến chết! Phàm những ai thấy nghe đều than hai gã ấy ngu quá. Người đời do ăn thịt nên tạo các sát nghiệp, đến nỗi bao kiếp tàn sát lẫn nhau, so với bọn dũng sĩ kia càng khốc liệt hơn nữa. Do không có con mắt Huệ, chẳng biết hậu báo, đâm ra đắc ý, tự kiêu, khoe khoang, chê trách người ăn chay là mê tín và bạc phước. Thế tục quen thói, điềm nhiên chẳng biết là sai. Vì thế, trong kinh Đại Thừa như Phạm Võng, Lăng Nghiêm, Lăng Già v.v… đức Như Lai đã bày tỏ cùng cực lỗi họa của việc sát sanh ăn thịt, có thể nói là lòng chân từ đại bi nhổ gốc, lấp nguồn vậy.
Cõi đời gần đây, sát kiếp thê thảm, ngàn xưa chưa từng nghe thấy. Huống chi những tai nạn nước, lửa, tật dịch, bão tố, động đất, hạn hán, lụt lội v.v… không lúc nào chẳng có. Nói chung là do sát nghiệp làm duyên khởi, khiến cho thế đạo nhân tâm ngày càng đi xuống. Do vậy, thiên tai, nhân họa tiếp nối nhau dấy lên, như đứng trước gương chẳng trốn được bóng. Đồng nhân lo lắng, muốn làm cho người đời cùng vâng giữ chuyện kiêng giết, ai nấy đều ăn chay. Bất luận chúc thọ, cầu phước, quan – hôn – tang – tế, đãi khách, nhóm bạn v.v… đều dùng tiệc chay, một là để trọn vẹn cái tâm trắc ẩn của ta, hai là mong cho những vị thần thánh ta tôn thờ và tổ tông, cha mẹ, bè bạn, thân thích của ta dứt trừ sát nghiệp, tăng trưởng thiện căn, chứ không phải chỉ riêng lo cho hết thảy loài vật sống trên không, dưới nước, trên cạn. Lại mong đây kia bắt chước nhau cho đến khắp cả làng, cả nước và toàn thiên hạ, ắt thấy phong tục tốt đẹp thuần hậu, dân giàu nước mạnh, cùng hưởng sự giáo hóa đại đồng, vĩnh viễn dứt bặt thói tranh đua, chim thú, cá, rùa đều được yên vui, ngõ hầu con người đứng cùng trời đất xưng tên là Tam Tài, cũng như nghĩa lý “Càn là đại phụ, Khôn là đại mẫu, nhân dân và ta cùng là ruột thịt, loài vật cũng giống như ta” chẳng đến nỗi chỉ là nói xuông, chẳng có mảy may thật nghĩa nào!
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, Đề từ và duyên khởi của Thường Trai Hội)