Trong kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Niệm nhất Phật hiệu công đức vô lượng vô biên, bằng với công đức của vô lượng chư Phật không khác”. Thế mới tin tưởng rằng thế nào gọi là “Vạn Đức Hồng Danh”, công đức này thật là viên viên mãn mãn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một là tất cả, tất cả là một”. Một câu Phật hiệu bao gồm hết tất cả công đức một cách viên mãn bên trong. Cho nên chúng ta nương vào câu Phật hiệu này liền có thể nhập vào pháp giới của Phật, có thể thành Phật.
Kinh nói: ”Nếu có người đem thất bảo trong bốn châu thiên hạ cúng dường Phật, bồ-tát, duyên giác, thanh văn, thì được phước rất nhiều; nhưng không bằng khuyên người niệm Phật một câu, phước của họ hơn hẳn người cúng dường trên kia”. Nếu có người đem bảo tạng trong khắp thiên hạ như vàng bạc, lưu ly, trân châu, mã não,… đem đến cúng dường Phật, cúng dường bồ-tát, duyên giác, thanh văn, thì phước báo mà họ đạt được rất nhiều. Song, vẫn không bằng khuyên mọi người niệm một tiếng Phật.
Vì vậy, nếu bạn khuyên mọi người niệm một tiếng A-di-đà Phật, phước báo vượt hơn hẳn việc đem bảy báu trong thiên hạ đến cúng dường Phật, bồ-tát. Vì một câu A-di-đà Phật có thể khiến cho người trồng thiện căn trọn vẹn, cho đến hoàn toàn thành Phật. Tuy chúng ta đem bảy báu trong thiên hạ đến cúng dường Phật, bồ-tát, được rất nhiều phước báo, nhưng phước báo ấy có giới hạn, có cùng tận; còn thành Phật là phước báo vô lượng, vô tận.
Trong kinh Niết-bàn có một đoạn như sau: Đức Thế Tôn nói với nhà vua: ”Giả sử nhà vua lệnh cho mở quốc khố lớn nhất, trong một tháng đem bố thí cho tất cả chúng sanh, công đức đạt được không bằng người xưng một câu Phật, công đức này vượt hơn công đức bố thí trên kia, không thể tính kể được”.
Thông thường, người ta hay cảm thấy: Chuyên niệm một câu Phật hiệu, đơn giản như vậy thì công đức cũng chỉ được chút ít mà thôi. So với đoạn kinh vừa đề cập, chúng ta không phải là quốc vương, mà chỉ là thứ dân hèn. Chúng ta không thể bố thí liên tục suốt một tháng, mà chỉ là bố thí một cách ngẫu nhiên; cũng chẳng phải bố thí cho tất cả chúng sanh, mà đối tượng được chúng ta bố thí rất hạn chế, nên chỉ có được chút công đức cỏn con, vậy mà bản thân liền cảm thấy rằng việc ta làm được, so với niệm Phật là siêu xuất hơn nhiều.
Ở đây, đức Phật nói: “Đem hết quốc khố, trong vòng một tháng Bố thí cho tất cả chúng sanh, công đức có được không bằng người miệng xưng niệm danh hiệu Phật, công đức của người niệm Phật hơn hẳn người bố thí ở trước, không thể tính kể”, đây là lời được thốt từ kim khẩu của đức Thế Tôn, mọi người nên tin nhận.
Kinh Tăng nhất A-hàm ghi: ”Nếu có người đem tứ sự cúng dường cho tất cả chúng sanh trong Diêm-phù-đề, và nếu có người xưng danh hiệu Phật trong khoảng thời gian như vắt sữa bò, công đức vượt hơn người bố thí ở trên không thể nghĩ bàn.”
“Diêm-phù-đề” chính là địa cầu mà chúng ta đang cư trú; “tứ sự” là quần áo, đồ ăn thức uống, giường chiếu, thuốc men, đây là những vật dụng tất yếu trong sinh hoạt thường nhật của con người. Tất cả chúng sanh đều được bạn cung cấp đủ mọi thứ vật dụng này; nhưng nếu có người xưng danh hiệu Phật, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vắt sữa bò thì công đức đạt được vượt trội hơn công đức của bạn gấp bội, không thể nghĩ bàn.
Trong Đại trí độ luận, bồ-tát Long Thọ đưa ra ví dụ: “Ví dụ như có người, ở thời kỳ này vừa lọt lòng mẹ đã liền có thể một ngày đi một nghìn dặm, suốt một nghìn năm, đem đủ thứ thất bảo cúng dường lên chư Phật; cũng không bằng người trong đời ác sau này xưng niệm một tiếng A-di-đà Phật, phước của người này hơn người cúng dường kể trên”.
“Một ngày đi một nghìn dặm, suốt một nghìn năm”: Mọi người hãy thử dùng phép tính xem, một ngày đi được một nghìn dặm, mười ngày được một vạn dặm, một trăm ngày được mười vạn dặm, một năm 365 ngày thì được bao nhiêu dặm? Ba mươi sáu vạn năm nghìn dặm! Người này đi suốt một nghìn năm thì ước chừng bằng với việc đi vòng quanh địa cầu một nghìn ức vòng. “Đem đủ thứ thất bảo cúng dường chư Phật”: Người này mỗi ngày có thể đi một nghìn dặm, suốt một nghìn năm, lộ trình mà anh ta đi qua, trên đường toàn là thất bảo. Anh ta đem những thất bảo này đến cúng dường Phật, không phải là cúng cho phàm phu, cũng không phải là cúng cho a-la-hán, bồ-tát, mà là cúng dường cho đức Phật đã viên mãn quả vị Chánh giác. Công đức này có thể nói là chẳng thể nào nghĩ bàn được, vô lượng vô biên, thế nhưng: “Không bằng người ở trong đời ác sau này, xưng niệm một câu A-di-đà Phật, phước của người này hơn người cúng dường kể trên”: Công đức của người trong một nghìn năm, mỗi ngày đi một nghìn dặm, đem những thất bảo ở trên đường, đến cúng dường lên đức Phật, không sánh kịp với công đức của người trong đời ác sau này xưng niệm một tiếng “Nam-mô A-di-đà Phật”!
Ở trước là chỉ cho hiện đời (thời của bồ-tát Long Thọ), người kia dùng không biết bao nhiêu là thất bảo thượng hảo, chí tâm dâng cúng Phật. Đời ác sau này, tập tính của chúng sinh ngày càng xấu, ác nghiệp lẫy lừng, tuy nói rằng niệm Phật, thì chẳng qua cũng chỉ là miệng họ xưng, nhưng tâm đầy tán loạn. Người bình thường đều cảm thấy rằng, nếu đem hai người ra so sánh thì người tâm tán loạn niệm Phật, sao mà bì nổi với công đức của người cúng dường thất bảo cho đức Phật ở trên chứ, đúng là Phật nói trái ngược nhau!
Các vị có phước đức rất lớn! Đủ điều kiện để vãng sanh Tây phương rồi! Tuy bản thân chúng ta công đức ít ỏi, nhưng trong câu danh hiệu bao hàm tất cả thiện căn công đức. Đây là Phật đưa ra ví dụ để giải thích cho chúng ta dễ hiểu, chứ thật ra, những thứ này chẳng thể nào thí dụ cho tương xứng được.
Đại sư Liên Trì nói: “Trì danh chính là thiện trong thiện, phước trong phước.”
Trong kinh A-di-đà, Phật nói: “Chẳng thể đem chút ít thiện căn phước đức nhân duyên để được sanh về nước Cực Lạc.” Đối với câu văn kinh này cũng có người hiểu lầm, cho rằng niệm Phật là thiện căn phước đức nhỏ, “Mình chỉ niệm Phật, là thiện căn phước đức nhỏ; cần phải tu các pháp môn khác để có nhiều thiện căn phước đức”. Đem tạo tác hữu lậu của phàm phu cho rằng có thể vượt hơn công đức danh hiệu của đức Phật A-di-đà thì thật là không biết chỗ quyền, thật của Phật pháp, cũng chẳng biết gì về công đức lớn hay nhỏ.
Đoạn kinh văn này giúp chúng ta hiểu rõ: Chỉ có xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật mới là chân chính đa thiện căn, đa phước đức; mới là “thiện trong thiện, phước trong phước”, vì phước đức được bao hàm trong câu Phật hiệu không có hạn lượng, giống như hư không. Phước đức khi tu tập các pháp môn khác tuy nhiều, hùng vĩ như thái sơn, mênh mông như đại hải, nhưng đều có thể hình dung được, đều có hạn lượng. Núi tuy cao, biển tuy rộng nhưng đem so với hư không thì không thể so sánh được. Câu danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật này thì trùm hư không, khắp pháp giới, là thù thắng nhất, tất cả thiện căn phước đức đều được bao hàm trong đó; không những là thiện căn phước đức vô lậu, thanh tịnh mà còn quyết định giúp cho chúng ta lìa sanh tử, chứng niết-bàn, không thứ gì có thể so sánh được. Chúng ta niệm Phật không nên mang mặc cảm tự ti, rằng: “Tôi chỉ niệm mỗi câu danh hiệu này e là chưa đủ”, xin khẳng định: Chắc chắn đủ!
A DI ĐÀ PHẬT.