Trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ có năm chữ “thanh tịnh bình đẳng giác”, “thanh tịnh bình đẳng” là Tịch, “giác” là Chiếu, từ đây, sanh ra đại từ, đại bi. Phải như thế nào thì mới có thể khế nhập cảnh giới ấy? Thực hiện từ “thấy thấu suốt, buông xuống”. “Thấy thấu suốt” là trí huệ, “buông xuống” là công phu. Phân biệt, chấp trước, ưu lự, vướng mắc thảy đều buông xuống. Trong cuộc sống thường nhật, sống tùy duyên, được đại tự tại. Đấy chính là hạnh phúc chân chánh.
“Chiếu nhi tịch, cưỡng danh Thường Tịch Quang độ. Tịch nhi Chiếu, cưỡng danh Thanh Tịnh Pháp Thân” (Tuy tịch mà chiếu nên cưỡng gọi là cõi Thường Tịch Quang. Tuy Chiếu mà Tịch, cưỡng gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân). Hai câu này ý nói: Một niệm tâm tánh nơi bổn tánh của chúng ta cũng chính là thân và cõi nước của chư Phật Như Lai. Thân và cõi nước chẳng hai, do Tịch và Chiếu chẳng hai, Tịch và Chiếu có thể dùng làm Thể và Dụng lẫn cho nhau, đấy là chỗ dựa nguyên thủy để lập luận. Cõi Thường Tịch Quang và Thanh Tịnh Pháp Thân đều thuộc vào bản thể của tâm tánh. Ba thân của Phật, tức Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Thân là từ Thể mà khởi Dụng, [nói như vậy] dễ thấu hiểu hơn. “Pháp” là hết thảy vạn pháp, hết thảy vạn pháp là chính mình. Thân cũng là một pháp trong vạn pháp. Nghĩa này hết sức khó hiểu. Đức Phật thường dùng mộng huyễn để sánh ví: Trong mộng có các hình tượng biến hiện, mà trong mộng cũng có chính mình. Trừ chính mình ra, có sơn hà, đại địa, lầu, đài, điện, gác, rất nhiều nhân vật. Cảnh giới trong mộng từ đâu mà có? Mộng do tâm tánh biến hiện ra. Tâm tánh chia ra thành chân và vọng. Mộng là do vọng tâm biến hiện. Những cảnh tượng khác cũng đều do vọng tâm ấy biến hiện. Do đây, có thể lãnh ngộ “toàn bộ giấc mộng ấy vốn là do chính mình [biến hiện]”, toàn thể mộng chính là tâm, đây là điều có thể khẳng định được. Hiện tại, chúng ta đang nằm mộng, y báo, chánh báo trang nghiêm, núi, sông, đại địa trong mười pháp giới đều do tự tâm biến hiện. Trừ chân tâm bổn tánh ra, không có một pháp nào để có thể được. Phật và các đại Bồ Tát hiểu biết rõ ràng sự thật này, chứng đắc Pháp Thân, nên các Ngài nhất loạt đối đãi bình đẳng với chúng sanh. Bởi lẽ, hư không pháp giới và chính mình có cùng một Thể, há còn nói tới điều kiện nào nữa ư? Phật, Bồ Tát đối xử chúng sanh là chính mình đối xử chính mình, vì thế mới “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Người đời không biết, La Hán, Bích Chi Phật và Quyền Giáo Bồ Tát đều chẳng hiểu rõ. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đích thân chứng được chân tướng sự thật mới hiểu rõ. Tư tưởng, kiến giải, cách nghĩ, cách nhìn của họ chẳng khác chư Phật Như Lai. Đấy gọi là “nhập Phật tri kiến”.
(Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký – HT. Tịnh Không)