Thuở ấy tôi học Triết Học, Phương tiên sinh giảng Triết Học trong kinh Phật cho tôi nghe, cụ bảo tôi, theo cách nhìn của cụ: “Thích Ca Mâu Ni Phật là triết gia vĩ đại nhất trên thế giới; kinh Phật là đỉnh cao nhất của Triết Học trên cả thế giới”. Đây là nguyên văn lời cụ nói, cụ bảo tôi như thế này: “Học Phật là hưởng thụ tối cao trong đời người”, cụ dẫn tôi tiến vào Phật môn. Lại còn đặc biệt bảo tôi, câu nói này rất trọng yếu. Nếu không, tôi sẽ mê hoặc, sẽ hoài nghi, sẽ nhìn những kẻ học Phật học như thế nào, chân tướng có đúng như Phương tiên sinh nói hay chăng? Vì thế, câu nói sau đây của Phương tiên sinh quan trọng lắm, cụ bảo: “Triết Học trong kinh Phật ở trong kinh điển, không ở trong chùa chiền”! Câu này hết sức trọng yếu. Vì sao không ở trong chùa chiền? Người trong chùa chẳng học! Xưa kia, cổ đại đức trong chùa chiền thật sự rất phi phàm, vì sao? Họ học thật sự. Nay thì sao? Người xuất gia trong chùa chiền hiện thời chẳng học, biến [Phật giáo] thành tôn giáo. Xuất gia để làm gì? Xuất gia để giao tiếp quỷ thần, lo siêu độ, làm Phật sự, pháp hội, làm những chuyện này. Những chuyện này có cần phải làm hay không? Cần chứ! Nhưng phải nên làm như thế nào? Vào trong quỷ đạo để làm, còn trong nhân đạo hãy lo dạy con người. Quỷ đạo có hay không? Có! Phật, Bồ Tát ở trong quỷ đạo; quý vị thấy Địa Tạng Vương Bồ Tát: “Địa ngục bất không, thệ bất thành Phật” (Địa ngục chẳng trống, thề chẳng thành Phật). Quý vị thấy làm lễ Diệm Khẩu, Tiêu Diện Đại Sĩ đối diện với Diệm Khẩu là ai? Là Quán Thế Âm Bồ Tát, hiện thân quỷ trong quỷ đạo để độ quỷ đạo. Nên hiện thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy, thân đang ở trong nhân gian thì phải dạy con người, sao lại dùng thân người để dạy quỷ? Đâu có lẽ ấy! Dùng thân quỷ cũng chẳng thể dạy người. Do vậy, Phật, Bồ Tát ứng hóa chẳng thể nghĩ bàn, nên dùng thân gì để đắc độ bèn hiện thân ấy, nên dạy họ điều gì sẽ dạy họ điều ấy! Phải biết điều này không do chính các Ngài quyết định, mà do người ấy cảm, Phật bèn ứng, tự nhiên cảm ứng đạo giao.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 3.