Chư Phật Như Lai thị hiện trong thế giới chúng sanh, thường cũng thị hiện có nghiệp chướng. Chư vị phải biết nghiệp chướng đó là thị hiện, đều là phương pháp giáo hóa của các Ngài, là nghi thức giáo học chứ chẳng phải thật. [Các Ngài thị hiện như vậy nhằm] giúp phàm phu chúng ta cảnh giác đến việc nhân quả rất đáng sợ. Thánh nhân thế gian, Khổng Lão Phu Tử, trong Truyện Ký chúng ta đọc thấy “Khổng Tử tuyệt lương ở đất Trần” Ngài cũng phải chịu đói. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng bị quả báo phải dùng lúa cho ngựa ăn hết ba tháng, đã từng đi khất thực nhưng không có người cúng dường. Việc này chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ nhân quả, dù đã thành Phật, thành thánh cũng không thể thay đổi nhân quả.
Hồi xưa đại sư Bách Trượng đã nói rất hay “người đại tu hành không lầm nhân quả”, [nói không lầm] chứ chẳng nói không có nhân quả. Không lầm nhân quả là như thế nào? Họ hiểu rõ ràng nhân quả nên lúc chịu quả báo thì họ vui lòng thọ nhận, họ biết là họ đã tạo nhân gì trong quá khứ nên ngày nay phải thọ nhận quả báo này, họ biết thật rõ ràng, thật rành rẽ. Khác với người thế gian khi thọ quả báo khổ họ không biết, không biết là do nguyên nhân gì, cứ cho rằng do người khác tạo ra, oán trời trách người, lúc thọ báo lại tạo thêm tội nghiệp, cứ như vậy nhân quả xoay vần, càng ngày càng tệ, càng ngày càng đi xuống; người hiểu rõ [nhân quả] thì khi thọ nhận quả báo sẽ không đọa lạc, họ có thể nâng cao [cảnh giới của họ]. Họ thật sự hiểu câu “một miếng ăn một thức uống đều do tiền định”. Dù gặp người ta phá hoại, gây tổn hại cho chúng ta, tất cả đều là vì đời trước mình đã gây tổn thương cho họ, ngày nay họ tới hại chúng ta, đó là báo ứng. Mình hiểu rõ, mình nhận chịu, vui vẻ tiếp nhận, chẳng oán trách, chẳng oán hận thì gút mắt ấy sẽ được cởi mở, khi gặp gỡ lần sau sẽ vui vẻ, chẳng còn oán hận. Như vậy có thể giải quyết vấn đề. Tuyệt đối không thể dùng tâm trả thù để giải quyết vấn đề, chư vị phải biết trả thù không thể nào giải quyết được. Nếu trả thù, bạn giết người đó, diệt hết dòng họ của người đó, đời sau họ sẽ giết hết dòng họ của bạn, nhân quả sẽ xoay vần, càng ngày càng tàn khốc. Nói cách khác càng đọa càng sâu, làm vậy không phải là cách giải quyết vấn đề!
Thật sự giải quyết vấn đề là phải tháo gỡ gút mắt, tháo cái gút ra, hết thảy những quả báo bất thiện đều phải nhẫn chịu thì bạn mới có thể hóa giải. Trên đường Bồ Đề bất luận là chính mình tu hành, hay hoằng pháp lợi sanh thì chướng ngại đều được dẹp hết. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện nhiều hình tướng khác nhau đều có mục đích giúp cho chúng ta giác ngộ, làm cho chúng ta hiểu rõ, cũng là nhằm dạy cho chúng ta nên làm như thế nào. Nói thật ra đây chính là đời sống, Phật dạy cho ta cách sinh sống, cách xử thế, cách làm người. “Chiêm lễ Ðại Sĩ tượng” quan trọng nhất là hiếu kính, hiếu kính phải mở rộng tới đâu? Tới hết thảy người ác, hết thảy kẻ có oán thù với mình đều phải dùng tâm hiếu kính [đối xử với họ]. Nguyện thứ nhất của Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta “Lễ Kính Chư Phật”, “kính” tức là hiếu kính, tuyệt đối không có phân biệt, không có sai khác, như vậy mới là thật sự tu hành, thật sự chuyển nghiệp; nghiệp chuyển được rồi thì quả báo cũng sẽ chuyển.
TRÍCH TỪ BÀI GIẢNG KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT (TẬP 49)
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG GIẢNG