Bảy phần công đức, người đó được một phần. Nếu chúng ta làm chẳng đúng như pháp thì một phần cũng chẳng đạt được. Do đó nhất định phải nuôi dưỡng tâm thành kính này lúc ngày thường, không chỉ khi chúng ta đối với Phật, Bồ Tát, đối với những người tu hành mà thôi, đối với hết thảy tất cả chúng sanh đều phải tu tâm thành kính, [được vậy thì] khi chúng ta làm sự việc này sẽ có công đức, hiệu quả rất lớn.
Thị cố trưởng giả, Diêm Phù chúng sanh, nhược năng vị kỳ phụ mẫu nãi chí quyến thuộc, mạng chung chi hậu thiết trai cúng dường chí tâm cần khẩn, như thị chi nhân tồn vong hoạch lợi.
(Thế nên này ông Trưởng Giả, những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay quyến thuộc qua đời, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích.)
“Tồn” [chỉ người sống], người sống được sáu phần bảy của sự lợi ích, người mất được một phần bảy, chúng ta phải hiểu rõ cả Lý lẫn Sự.
Trên Sự, ở đây Bồ Tát chỉ nêu lên một việc, phương pháp tu phước cho người mất rất nhiều, chẳng nói hết. Ở đây chúng ta tổng kết một cương lãnh quan trọng, đó là thành kính, bất luận tu phước gì cũng phải “tinh cần hộ tịnh”, bốn chữ này quan trọng vô cùng! Tinh là thuần chứ không tạp, tịnh là thanh tịnh chẳng nhiễm. Cho nên dùng tiền phải dùng tịnh tài, đích thật là tiền tài mình đáng có được thì chúng ta bố thí mới có công đức, mới có hiệu quả. Nếu là tiền tài bất nghĩa, như câu “của người Bồ Tát, của mình lạt buộc”11, như vậy thì không được, vậy là chẳng tịnh, chẳng thanh tịnh, chẳng phải là tịnh tài, bạn dùng của cải như vậy thì sẽ chẳng được phước, phải hiểu rõ ràng, rành rẽ.
(Lược Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Quyển Hạ
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. TẬP 27- PHẨM THỨ BẢY: LỢI ÍCH CHO KẺ CÒN NGƯỜI MẤT – Trang -49 -50)