Nghe người khác phê bình, bất luận phê bình sai hay đúng, đều phải cảm ân. Không đúng là sao? Họ thấy sai, đã ngộ nhận. Đúng thì lại càng phải cám ơn, vì họ thấy lỗi lầm của chúng ta. Điều này khó, rất khó!
Tôi ở Đài Trung theo thầy Lý học mười năm, thầy tổ chức lớp học kinh điển, chính là lớp giảng sư. Trong lớp có hơn 20 học sinh, bao gồm cả tôi trong đó. Thái độ của thầy đối với mỗi học sinh không giống nhau. Có người xưa nay thầy chưa hề dùng thái độ tốt đối đãi họ, gặp là phê bình, là la mắng, có khi còn đánh. Lớp này là lớp người lớn, không phải trẻ con, nhỏ nhất cũng hơn 20 tuổi, lớn nhất là cư sĩ Lâm Khán Trị 60 tuổi. Thế nên khi lên lớp đều có người canh giữ, không để người khác đến gần, vì sao? Khi đánh mắng để người khác nghe được không hay, nên ngoài cửa có bảo vệ.
Có vài bạn học, thầy đối với họ rất khách sáo, mỗi khi gặp nhau đều mỉm cười. Mới đầu tôi hoài nghi, vì sao thầy đối xử không công bằng, đối với những người này rất dữ, nhưng đối với những người kia lại rất tốt? Thầy nhận ra tôi có hoài nghi này, có câu hỏi này nhưng không dám hỏi, bị thầy nhận ra.
Một hôm thầy gọi tôi vào phòng, nói với tôi về vấn đề này. Ông nói, điều này quý vị nên chú ý, tương lai phải hiểu để dạy người khác. Có người có thể tiếp thu, thật nghe lời, người như thế phải thật tâm dạy họ, không dạy sẽ có lỗi với họ. Có số người không thể tiếp thu, nhưng sĩ diện, nói vài câu khó nghe là đỏ mặt, như vậy nhất định không nên nói nữa, nói thêm dễ kết oán thù, lúc này tôi mới hiểu. Không thể tiếp nhận, đặc biệt là trước mặt rất nhiều người, cảm thấy xấu hổ_không thể tiếp nhận, nhất định không nói. Mới biết nguyên nhân thái độ của thầy đối đãi học sinh khác nhau.
Thế nên hơn 20 học trò, căn tánh của mỗi người thầy đều rõ như lòng bàn tay, nên phương pháp dạy mỗi người đều khác nhau. Đây là trí tuệ chân thật giúp chúng ta sau này khi đi giảng dạy. Đối với học trò như chúng tôi mà nói là lợi ích chân thật, thế nên nhẫn nhục quan trọng hơn bất kỳ điều gì.
Chúng ta tích lũy công đức, dựa vào điều gì? Bố thí, nhưng công đức này duy trì được phải nhờ nhẫn nhục. Nếu không nhẫn nhục, cho dù tích lũy bao nhiêu công đức cũng đều mất hết. Trong kinh điển thường nói: “hỏa thiêu công đức lâm”, hỏa là gì? Nỗi giận. Chưa phát tiết được, trong lòng rất khó chịu, công đức liền ít đi một nửa. Phát tiết ra thì đốt cháy tất cả, công đức hoàn toàn không còn.
Công đức là gì? Công đức là giới định tuệ. Điều này cần phải biết, nó không phải gì khác, nhân giới sanh định, nhân định khai tuệ. Nổi giận, định mất đi, công đức hoàn toàn không còn. Nổi giận là gì? Sanh phiền não, không sanh trí tuệ. Tâm thanh tịnh sanh trí tuệ, không sanh phiền não. Quý vị không nhẫn nại, vậy tâm thanh tịnh từ đâu đến? Do đây mà biết, trong sự tu học, nhẫn nhục là then chốt.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 478.