Mười pháp giới đều do tự tâm của chúng ta biến hiện, tâm chúng ta tưởng gì liền biến ra cảnh giới ấy. Cho nên, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Từ trong tưởng tượng biến hiện, sức mạnh của tưởng tượng rất lớn, tưởng điều gì liền biến hiện điều ấy! Chúng ta phải có trí huệ và tín tâm như vậy thì mới được coi là “chánh tín”. Nếu chẳng có trí huệ, nói thật ra, chánh tín sẽ chẳng thể sanh khởi; dẫu có tín tâm vẫn chẳng phải là chánh tín. Chẳng phải là chánh tín, người ấy sẽ thoái chuyển, sẽ thay đổi. Chúng tôi đã từng thấy không ít người niệm Phật, niệm vài chục năm, đến tuổi già bèn thay đổi, học pháp môn khác, điều ấy vô cùng đáng tiếc! Đấy đều là vì trong tín
tâm chẳng có trí huệ, là một thứ lòng tin theo cảm tình, nói khó nghe là mê tín, nên kẻ ấy mới thay đổi! Người thật sự có trí huệ chắc chắn sẽ không bị thay đổi!
“Dĩ trí phát nguyện” (Dùng trí để phát nguyện), nguyện ấy là “hoằng nguyện”, nguyện ấy cũng chẳng kiến lập trên cơ sở cảm tình hay mê tín! Nó là nguyện từ trong trí huệ Bát Nhã, tức là nguyện phát sanh từ lý trí, tuyệt đối chẳng phải là cảm xúc nhất thời, nên nguyện ấy là chân nguyện. Người ấy hiểu rõ ràng, minh bạch Sự và Lý của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hiểu rõ vì sao phải chọn lựa Tây Phương. Trong Đại Kinh, chuyện này rất rõ rệt. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vy Đề Hy gặp nạn, con cái bất hiếu, giam chặt bà ta. Bà cảm thấy thống khổ, ở trong hoàng cung dõi nhìn Linh Sơn. Khi ấy, đức Phật ở núi Linh Thứu, núi Linh Thứu ở ngoài thành Vương Xá. Bà ở trong hoàng cung niệm Phật, cầu Phật đến cứu. Bà ta cảm thấy thế giới này rất khổ, con cái bất hiếu, làm phản. Nếu lúc
ấy chẳng có mấy vị đại thần khuyên can, ngăn cản, con bà ta sẽ giết mẹ! Bà ta cảm thấy thế giới này chẳng có ý nghĩa gì, cầu Phật: “Các cõi Phật trong mười phương cõi nào tốt đẹp, con muốn sang đó, chẳng muốn ở trong thế gian này nữa!”
Bà ta có một niệm ấy, đức Phật liền biết. Do vậy, bà Vy Đề Hy dẫn mấy cung nữ hướng về phương hướng núi Linh Thứu lễ bái, vừa ngẩng đầu lên, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dẫn nhiều người đến hoàng cung rồi, đến từ không trung. Đây là đức Phật hiện Thần Túc Thông. Đức Phật đáp ứng lời thỉnh cầu của bà ta, dùng thần lực của Phật hiện bày các cõi Phật trong mười phương khiến bà ta đều trông thấy. Sau khi bà ta đã thấy các cõi Phật, bèn hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thưa: “Con chọn lựa cõi Phật A Di Đà, muốn sanh về cõi Phật A Di Đà”. Xin Thích Ca Mâu Ni Phật dạy bà ta cách sanh về đó. Kinh ghi chép như thế, chúng ta phải tin tưởng điều này. Thuở ấy, trong hoàng cung, chẳng phải là một mình vua Ba Tư Nặc trông thấy, mà cả mấy trăm cung nữ của bà ta cũng đồng thời thấy, chuyện ấy chẳng phải là giả! Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới xong, bèn hỏi A Nan: “Ông có muốn thấy Tây Phương A Di
Đà Phật hay không?” Ngài thưa: “Con xin được thấy”. Kết quả là Thích Ca Mâu Ni Phật dạy Ngài hướng về phương Tây lễ bái, xưng danh, nhất tâm xưng danh niệm A Di Đà Phật. A Nan vừa niệm A Di Đà Phật, lạy xuống một lạy, ngẩng đầu lên, A Di Đà Phật đã hiện trên không trung, Ngài được trông thấy. Không chỉ riêng A Nan trông thấy, mà có đến hơn
một vạn người nghe giảng kinh trong pháp hội Vô Lượng Thọ lần đó thảy đều trông thấy! Đây chẳng phải là giả, chẳng phải là một người thấy, mà là nhiều người như thế trông thấy! Điều này cũng chứng thực lời Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói trong chương Niệm Phật Viên Thông: “Hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (Hiện tại, tương lai, nhất định thấy Phật),
ở đây là hiện tiền thấy Phật. Ngài A Nan vừa thấy A Di Đà Phật liền phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, nếu các vị hỏi: “Hiện thời, ngài A Nan ở đâu?” Ngài ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ngài là tổ sư đời thứ hai của Thiền Tông. Ma Ha Ca Diếp là sơ tổ Thiền Tông. Ma Ha Ca Diếp truyền cho Ngài, Ngài vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, sự phát nguyện này là thật sự hiểu rõ, nguyện sanh Tây Phương, đấy mới là đại nguyện.
( Lược Trích : A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa – Trang 6 – Quyển V – Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không )