Thế gian cùng xuất thế gian, bất luận là sự nghiệp nào, đều phải được xây dựng trên nền tảng ổn định hoà bình. nếu như xã hội động loạn, thế giới không hoà bình thì sự nghiệp gì cũng không thể xây dựng được.
Hôm qua tôi vừa từ Cổ Tấn trở về. Theo kế hoạch ban đầu, bắt đầu từ ngày mai, chúng tôi có bốn ngày gặp gỡ đại chúng, sau đó thì đi thăm Indonesia. Không ngờ là hôm nay có bốn vị quan chức chính phủ Indonesia đến đây mời tôi tham dự lễ khánh thành Trung Tâm Đa Nguyên Văn Hóa của họ vào ngày 18 này.
Trung tâm này do chính phủ Indonesia xây dựng, là trụ sở của sáu tôn giáo ở Indonesia. Tôn giáo của họ đoàn kết với nhau để cùng hoạt động. Bộ trưởng Bộ Tôn Giáo rất mong muốn tôi tham gia buổi lễ khánh thành này. Buổi lễ sẽ ra diễn vào sáng ngày 18. Hôm nay họ đến mời tôi, ngày mai tôi phải đi rồi, sáng ngày hôm kia sẽ tham dự buổi lễ này. Thực tại mà nói, điều này là hiếm có, tôn giáo của họ có thể đoàn kết lại.
Singapore thì làm việc này sớm hơn Indonesia, nhưng chín tôn giáo của Singapore vẫn chưa có một trung tâm để hoạt động, rất khó làm được. Ngài Bộ trưởng đến mời tôi rất thành khẩn, hôm nay tôi trả lời đồng ý với ông ấy. Lần này do Tổng thống Indonesia có việc phải đi viếng thăm nước Iran, cho nên tôi phải ở lại Indonesia vài hôm để đợi Tổng thống trở về. Chúng tôi đã có một cuộc hẹn, trong mấy ngày này, Bộ Tôn giáo của họ sắp xếp cho tôi đi thăm viếng các tôn giáo ở đó.
Đây là một việc rất tốt. Chúng tôi hy vọng trên thế giới, các tôn giáo, các chủng tộc đoàn kết lại với nhau, thực sự hóa giải xung đột, xúc tiến hòa bình thế giới. Thế xuất thế gian, bất luận là sự nghiệp như thế nào, đều phải được xây dựng trên nền tảng ổn định hòa bình. Nếu như xã hội động loạn, thế giới không hòa bình, thì sự nghiệp gì cũng không thể xây dựng được. Cho nên đây là một dịp tốt, tôi đến đó sẽ hội đàm với mọi người, chúng tôi sẽ trao đổi một số ý kiến. Mấy năm nay, chúng tôi đã có một số kinh nghiệm, có thể cung cấp cho họ làm tham khảo.
Đặc biệt là lần này tôi tham gia Hội Nghị Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc tại Okayama, Nhật Bản. Tôi có cảm xúc rất sâu sắc, hòa bình phải được thực hiện ở nơi nào? Phải được thực hiện ở trong gia đình. Cái gọi là “gia hòa vạn sự hưng”. Hai chữ “vạn sự” bao gồm sự nghiệp của bạn, bao gồm xã hội, bao gồm khu vực, bao gồm thế giới, bao gồm vũ trụ. “Gia hòa” là thế giới hòa bình, vũ trụ hài hòa. Bạn xem thử mối quan hệ này lớn biết bao nhiêu!
Nếu như gia của bạn bất hòa thì sẽ phá hoại sự hài hòa của xã hội, phá hoại hòa bình thế giới sẽ tạo tội lớn rồi. Ai có được ý thức này? Ai biết được sự việc này? Sự việc này là thật chẳng phải giả chút nào. Trong Kinh Địa Tạng, Phật đã nói: “Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tạo tội nghiệp”. Tội gì vậy? Tội phá hoại sự ổn định của xã hội, phá hoại hòa bình thế giới. Tội này lớn vô cùng. Mọi người ai cũng đều đang tạo tội, nhưng chính bản thân mình lại chẳng hay biết. Ngạn ngữ ngày xưa thường nói: “Trước cửa địa ngục có nhiều người tu”. Cho nên Đại Sư Ấn Quang cả một đời không xuất gia cho ai, không thu nhận đệ tử xuất gia. Tại sao vậy? Bạn mà xuất gia cho một người thì đưa một người vào địa ngục, xuất gia cho hai người thì đưa hai người vào địa ngục. Họ không thể nào không đọa địa ngục. Tại sao vậy? Vì họ phá hòa hợp Tăng, phá hoại hình tượng Phật giáo. Tội danh này chính là địa ngục A-tỳ, nên Tổ Ấn Quang không nhẫn tâm!
Nếu quý vị hỏi dựa vào đâu để thấy được? Chúng ta hãy tỉ mỉ tư duy quan sát, bạn đã cạo tóc xuất gia nhưng bạn đã thực hiện được Tam Quy chưa? Không cần nói đến giới của Bồ Tát, bạn hãy tự hỏi đã thực hiện được Ngũ Giới của Tỳ-kheo chưa? Mười giới của Sa Di bạn đã thực hiện được chưa? Ngũ giới, thập giới, hai mươi bốn oai nghi đều chưa thực hiện được, có phải là bạn đã phá hoại hình tượng của Phật giáo rồi không? Phá hoại hình tượng Phật giáo chính là phá hòa hợp Tăng. Sự kết tội ở trong Giới Kinh, mọi người xem thì sẽ biết. Tội phá hòa hợp Tăng là địa ngục A-tỳ. Nếu bạn tỉ mỉ thâm nhập mà quán sát, bạn đã bất kính, không tôn trọng Tam Bảo, hữu danh vô thực. Mỗi ngày bạn vẫn khởi tâm động niệm, đều là mê tà nhiễm, đều là tự tư tự lợi, đều là tham sân si mạn.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 315)