Con người chúng ta là những kẻ “ỷ mạnh hiếp yếu” giết hại vô số loài động vật để ăn nuốt, thậm chí còn ăn con vật sống cho nên bạn thường gặp bệnh tật, tai nạn chẳng thể phát khởi tâm từ bi yêu thương mọi loài.
Ngày nay chúng ta thấy thế gian này, có rất nhiều người giàu sang nhưng không có trí huệ, họ thật sự giàu có [nhưng] ngu si. Lại thấy có người thông minh, rất có trí huệ, thân thể không khoẻ, nhiều tai nạn, nhiều bệnh đó là gì? Ðời trước họ chẳng tu vô úy thí, thường làm tổn thương hết thảy chúng sanh, [nên họ] bị nhiều tai họa, nhiều bệnh. Họ nói: “Tôi đâu có hại chúng sanh gì đâu, chẳng hại ai hết”, mỗi ngày ăn thịt chúng sanh thì đã là phiền phức rồi.
Tôi nhớ có một lần, cư sĩ họ Lôi ở HongKong làm báo cáo tại đây, bà thấy quả báo ngay trong đời này, có một người thích ăn đồ biển, lúc chết bị một bệnh giống như con cua vậy, giống cá tôm vậy, lúc quả báo hiện lên mọi người đều nhìn thấy, làm cho rất nhiều người sợ hãi, những người thích ăn đồ biển đều không dám ăn nữa. Bà ở đây thuật lại chuyện này, chúng tôi có thâu hình, cuồn băng thâu hình này có thể lưu thông cho mọi người coi, chuyện bà kể lại là chuyện thật, người thật. Trong Giới Kinh tuy đức Phật chẳng cấm mọi người ăn thịt, đức Phật khuyên người ăn “Tam Tịnh Nhục”. Tam tịnh nhục nghĩa là thứ nhất không trông thấy [con vật đang] bị giết, bạn chẳng thấy sự sát sanh, thứ hai bạn chẳng nghe thấy âm thanh [lúc con vật bị] giết, thứ ba là tuyệt đối chẳng giết cho mình ăn, đó gọi là tam tịnh nhục. Nhưng có một số người thích ăn thịt sống, tận mắt nhìn thấy con vật bị giết, đích thân kêu người đầu bếp giết con vật ấy, họ muốn ăn đồ tươi, ăn như vậy thì tạo nghiệp nặng lắm. Cho dù bạn tu bố thí được phước, dù bạn tu pháp bố thí được thông minh trí huệ, quả báo bạn được sẽ là thân thể bị nhiều tai họa, nhiều bịnh.
Thông thường thì thân thể người Trung Quốc chẳng bằng người ngoại quốc, người ngoại quốc ăn thịt, họ thật sự ăn tam tịnh nhục, vả lại lúc ăn thịt cũng tương đối đơn thuần. Ở ngoại quốc chúng ta thấy họ ăn nhiều nhất là thịt bò, thịt gà, những thịt động vật khác họ không ăn, rất ít ăn, họ yêu thương động vật. Nếu họ thấy bạn làm tổn thương động vật thì họ không thích, họ sẽ không tha thứ cho bạn. Ở Úc Châu nếu làm tổn thương động vật bừa bãi thì phải bị phạt, phải bị phạt tiền thậm chí phải bị ở tù, đây là [luật lệ] bảo hộ động vật. Gà và bò của họ được [chuyên môn] nuôi để làm thịt, như vậy thì sự tạo nghiệp sẽ nhẹ. Hãy coi người Trung Quốc, đặc biệt là người miền nam cái gì cũng ăn, cái gì cũng muốn ăn sống, như vậy thì tạo nghiệp rất nặng, sẽ chịu tai nạn rất nhiều. Do đó chúng ta phải biết làm cách nào để tu phước.
[Nói đến] phương pháp sống khoẻ mạnh, trường thọ, cố nhiên phương thức sống của chúng ta rất quan trọng, đó đều là duyên. Nguyên nhân thật sự là do đời quá khứ tu vô úy thí, làm cho hết thảy động vật, làm cho các loài hữu tình, động vật có sinh mạng được yên ổn, được vui sướng, không thể sát hại chúng nó, đó thuộc về vô úy thí, ngày nay gọi là thương yêu động vật. Chúng tôi thấy những động vật sanh trưởng trong vùng hoang dã ở Mỹ, ở Gia Nã Ðại [Canada], ở Úc Châu chẳng sợ con người. Bạn coi những động vật nhỏ ấy, bạn ngoắc tay thì nó liền đi tới, chim cũng không sợ người ta, nó bay xuống đậu trên thân bạn, con sóc [nhìn thấy bạn] vừa ngoắc tay nó liền chạy lên tay bạn. Ðộng vật ở Trung Quốc khác ở ngoại quốc, vừa thấy người ta nó liền chạy mất, động vật cũng thông hiểu tánh người, sống ở chỗ nào mà nó biết con người không hại nó, con người là bạn của nó, thì nó mới dám lại gần [người ta]. Còn ở Trung Quốc hay Ðài Loan thì làm sao được, chim vừa nhìn thấy người ta thì liền bay mất, nó biết những người này là kẻ thù của nó, là oán gia, chắc chắn sẽ giết hại chúng nên chúng mau mau chạy trốn.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – tập 37 / trang 569)
Pháp sư Tịnh Không giảng