“Vào một buổi sáng mùa đông rét buốt, dậy sớm đến trường học”. Vào mùa đông ông dậy sớm đến học đường.
“Trên đường gặp một người bị ngã nằm trong tuyết, sờ thử thì đã lạnh cóng gần chết rồi”. Ông thấy trên đường có một người té ngã nằm trong đống tuyết, ông đến sờ xem thấy chưa chết, nhưng cũng sắp đông cứng rồi.
“Ông liền cởi áo khoác của mình ra đắp cho người đó”. Trên người ông đang mặc áo bông hoặc áo da, ông lập tức cởi áo khoác ngoài ra đắp cho người này.
“Rồi đưa về nhà cứu sống”. Ông dìu người này về nhà cứu sống, đây là cứu một mạng người. Nhà Phật thường nói: “Cứu một mạng người hơn xây tháp bảy tầng”. Ý câu này rất thâm sâu, người thông thường chỉ biết xây chùa miếu, “phù đồ” là bảo tháp, “thất cấp” là bảo tháp bảy tầng, xây tháp bảy tầng công đức rất lớn. Hiện nay lại thịnh hành việc tạo tượng Phật lớn, đại khái tạc tượng Phật lớn công đức lớn hơn xây bảo tháp. Tôi suy nghĩ mãi câu nói này của cổ nhân, cứu một mạng người còn hơn tạo tượng Phật, Bồ Tát 100 mét, không chỉ là bảo tháp bảy tầng. Quý vị tạo tượng Phật, Bồ Tát lớn như vậy có tác dụng gì?
Thế gian hiện nay, người khổ nạn quá nhiều, biết bao nhiêu người đang chịu đói khát. Không có cái ăn, không có cái mặc, bệnh không có thuốc men, đáng thương biết bao! Đắp một tượng Phật lớn, xây một bảo tháp phải cần bao nhiêu tiền. Nếu bạn đem số tiền này đi cứu tế nhân dân gặp khó khăn, những người đang chịu đói khát này, tôi tin rằng công đức này là vô lượng vô biên. Cứu một mạng người, quả báo không thể nghĩ bàn, được phước báo rất lớn. Nếu bạn có thể cứu ngàn vạn sinh mạng, tôi tin rằng con cháu của bạn đều làm quan rất nhiều, như ở trước vị đạo trưởng nói, số người cũng nhiều như một thăng hạt mè vậy, vì sao không làm?
Chúng ta phải tư duy thật nhiều, thế nào là công đức chân thật, thế nào là công đức giả. Trong này có một tiêu chuẩn, phàm là thật sự khiến cho tất cả chúng sanh khổ nạn có được chỗ tốt, đạt được lợi ích, thì công đức này là thật. Nếu khiến tất cả chúng sanh không đạt được lợi ích thực sự, thì công đức này là giả.
Cho nên, tôi không tán thành việc tạo tượng Phật lớn, có người nói tượng Phật lớn này ngồi ở nơi đó thì người ở đây đều được bình an. Chưa chắc, đây là thuộc về mê tín. Vừa được phước, vừa bình an thì phải dựa vào điều gì? Dựa vào việc giáo hóa, dựa vào việc thay đổi nhân tâm. Nhân tâm trong thế gian hiện nay, toàn thế giới hầu như đều không ngoại lệ, tự tư tự lợi ngày càng tăng trưởng, tham sân si mạn ngày càng tăng trưởng, đây là căn nguyên của thiên tai. Tạc một tượng Phật lớn có thể trấn áp được thiên tai, làm gì có đạo lý này! Có thể hóa giải kiếp nạn, phải đề xướng giáo dục, giáo dục Phật giáo.
Giáo dục Phật giáo là giáo dục của trí tuệ, là giáo dục của từ bi, là giáo dục của lòng yêu thương. Dạy mọi người buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, hy sinh phụng hiến vô điều kiện, giúp đỡ xã hội này, giúp đỡ tất cả nhân dân khổ nạn, đức Phật dạy chúng ta như vậy. Chúng ta hiểu rõ, thật sự chịu y giáo phụng hành thì bản thân chúng ta được độ, cũng thật sự có thể tạo phước cho xã hội, tạo phước cho nhân dân, đây là lời dạy bảo của Phật.
Giả như nói xây bảo tháp, tạo tượng Phật công đức lớn như vậy. Vậy năm xưa khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, vì sao không tạo tượng Phật lớn? Vì sao không xây đại bảo tháp? Chúng ta xem truyện ký của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc ngài tại thế, cả đời giảng kinh thuyết pháp suốt 49 năm. Ngoài giảng kinh thuyết pháp, dạy học ra, ngài không làm việc gì khác. Ngài cũng chưa từng tổ chức những pháp hội thủy lục gì hết, cũng chưa từng bái sám. Thậm chí bây giờ nói tổ chức Phật thất, tổ chức thiền thất, trong kinh điển chúng ta đều không tìm thấy. Toàn là do người đời sau làm ra, Phật, Bồ Tát không làm những việc này.
Chúng ta học Phật nhất định phải học theo Phật, Bồ Tát, Phật, Bồ Tát ở đâu? Ở trong kinh điển, chúng ta nhất định phải tu hành theo lý luận và phương pháp trong kinh điển. Noi theo chư Phật, Bồ Tát, học theo chư Phật, Bồ Tát, đây mới là học trò chân thật của Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Trích: Liễu Phàm Tứ Huấn, tập 13)