Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

[Media] Danh xưng Hòa thượng & A Xà Lê có nghĩa là gì?

Dạy con như Đức Phật: 5 quy tắc để nuôi dạy nên những đứa trẻ tuyệt vời
Trong nhà Phật chúng ta thường nghe đến cách xưng hô hòa thượng và A-xà-lê. A-xà-lê, người Trung Quốc chúng ta quen gọi là pháp sư. Những danh xưng này trong tôn giáo không có. Hòa thượng và A-xà-lê đều là âm tiếng Phạn của Ấn Độ, ý nghĩa của hòa thượng là thân giáo sư, nếu dùng lời hiện nay mà nói thì chính là vị thầy đích thân dạy bảo chúng ta, chúng ta liền xưng người ấy là hòa thượng.
Ở trong một trường học, đích thân dạy bảo học sinh là hiệu trưởng, chính sách giáo dục là do ông quyết định, khóa trình là do ông chỉ đạo, những giáo viên kia là chấp hành theo sự chỉ đạo của ông, giúp đỡ ông dạy học. Thế nên, thành công hay thất bại trong việc dạy học là do hiệu trưởng chịu trách nhiệm, giáo viên không chịu trách nhiệm. Vì thế hiệu trưởng chính là hòa thượng, là thân giáo sư.
Hòa thượng, cách xưng hô này vô cùng tôn quý, hết sức thân mật. Thế nên trong trường đại học hiện nay, ngoại trừ hiệu trưởng ra còn có chỉ đạo giáo thọ. Chỉ đạo giáo thọ có thể nói vị ấy cũng là thân giáo sư, cũng có thể xưng vị ấy là hòa thượng. Cho nên hòa thượng là một danh từ phổ thông, chẳng phải là một danh từ chuyên dùng trong nhà Phật. Người đích thân dạy bảo mình, chúng ta gọi vị ấy là hòa thượng. Giống như đi học trong trường vậy, chúng ta chỉ gọi hiệu trưởng là hòa thượng, còn tất cả các thầy cô khác chúng ta gọi là A-xà-lê, hiện nay gọi là giáo thọ.
Ý nghĩa của từ A-xà-lê so với ý nghĩa của từ giáo thọ còn viên mãn hơn, lời nói cử chỉ của vị thầy này có thể làm gương mẫu cho mình, mình nên theo thầy ấy học tập. Cho nên A xà-lê được gọi là người thầy mẫu mực, lời nói và hành vi của thầy có thể làm mô phạm cho mình, làm điển hình cho mình, người như vậy bình thường chúng ta gọi là thầy giáo. Cho nên ở trong nhà Phật, từ trên cách xưng hô chúng ta cũng có thể biết được Phật giáo đích thật là thuộc về sư đạo, không phải thần đạo, tôn giáo là thần đạo. Nếu nói lời khó nghe thì tôn giáo đều là mê tín, còn tông chỉ của Phật pháp là phá mê khai ngộ.
Phật nói vì sao cuộc sống của bạn lại khổ đến như vậy? Vì sao có lục đạo luân hồi? Là bởi vì bạn mê, đã mê mất bổn tánh của mình, mê mất đi tự tâm của mình, vì thế trí tuệ, đức năng của bạn không thể hiện tiền, bạn mới làm những việc hồ đồ sai trái. Đối với vũ trụ nhân sinh thì cách nghĩ, cách nhìn, cách nói và cách làm của bạn thảy đều sai lầm. Đã làm sai rồi thì về sau nhất định sẽ có hậu quả, hậu quả chính là lục đạo luân hồi, chính là hiện nay phải trải qua những ngày tháng khổ đến như vậy.
Mục đích của giáo học Phật pháp là muốn giúp chúng ta lìa khổ được vui, lìa khổ được vui là nói từ trên quả, trên thực tế là hướng dẫn chúng ta phá mê khai ngộ. Phật nói khổ từ đâu mà đến? Từ mê mà đến. Bạn đối với vũ trụ nhân sinh, vũ trụ là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, nhân sinh là bản thân chúng ta; nếu đối với bản thân, đối với hoàn cảnh sinh hoạt của chính bạn mà hoàn toàn không hiểu, vậy thì khổ thôi!
Bạn nghĩ sai, nhìn sai, làm sai, vậy thì bạn làm sao không khổ cho được? Nếu như bạn đều rõ ràng, đều hiểu rõ, triệt để sáng tỏ rồi thì bạn liền được vui. Vì sao vậy? Cách nhìn, cách nghĩ của bạn đều chính xác, hoàn toàn không có sai lầm thì đời sống của bạn đương nhiên sẽ an vui. Cho nên, phá mê khai ngộ là nhân, lìa khổ được vui là quả, đây là sự hưởng thụ của bản thân chúng ta. Thầy dạy cho chúng ta làm thế nào phá mê, làm thế nào khai ngộ, thầy đối với chúng ta không có một chút mong cầu gì, việc này quý vị nhất định phải biết.
(Trích: Nhân Thức Phật Giáo, tập 01 | Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *