“Mạng”, nói thông thường là thọ mạng. Thọ mạng dài hay ngắn cũng là có nhất định, phải biết điều này. Ai định sẵn [thọ mạng] cho quý vị? Chính là những nghiệp thiện ác trong đời quá khứ quyết định, chẳng phải do vua Diêm La quyết định, cũng chẳng phải do Thượng Đế định đoạt, càng chẳng dính dáng gì đến Phật, Bồ Tát, hoàn toàn là tự làm, tự chịu. Cùng một đạo lý như vậy, vận mạng đã do sự tạo tác của chính mình mà định sẵn, đương nhiên là chính mình có thể sửa đổi. Tự làm thì nhất định là tự chịu, người khác chẳng thể giúp đỡ quý vị sửa đổi. Nếu người khác có thể giúp quý vị sửa chữa; hiện thời, chúng ta chẳng cần học Phật nữa! Chư Phật, Bồ Tát đại từ, đại bi, nhất định là sẽ sửa đổi rất tốt đẹp cho chúng ta. Nếu các Ngài chẳng thay chúng ta sửa chữa, [tức là] các Ngài chẳng từ bi. Vì vậy, Phật, Bồ Tát cũng chẳng có sức mạnh để sửa đổi cho chúng ta.
Chư vị hiểu đạo lý này, đối với những gã thầy bói xem tướng đoán mạng bình phàm trong xã hội đòi phê bát tự, đòi sửa đổi vận mạng cho quý vị, quý vị biết ngay là giả trất, chẳng thật! Nếu hắn thật sự có thể sửa đổi vận mạng, sao hắn không sửa đổi cho chính mình? Vì thế, người học Phật đầu óc phải tỉnh táo, đừng bị kẻ khác lừa gạt. Chư Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng ta, chỉ là nói rõ ràng chân tướng sự thật này, ngõ hầu bản thân chúng ta hiểu nên làm như thế nào. Liễu Phàm Tứ Huấn là một tấm gương tốt lành trong chuyện sửa đổi vận mạng. Chư vị hãy xem cho nhiều, đọc cho nhiều, sẽ hiểu rõ. Bất quá, cách sửa đổi của cư sĩ Liễu Phàm rất nhọc nhằn, là phương cách rất ngốc nghếch, chẳng phải là một phương pháp thông minh và rất nhanh chóng. Có cách nào thông minh, nhanh lẹ hơn hay không? Có chứ! Có [phương pháp để trong] một niệm mà từ phàm phu bèn thành Phật, tiên sinh Liễu Phàm làm sao có thể sánh bằng được, thua kém quá xa! Trong Phật pháp thường nói đến phương pháp này, đức Phật thường khuyên “phát nguyện”. Nếu nguyện lực của quý vị vượt trỗi nghiệp lực, nghiệp lực của quý vị chẳng khởi tác dụng, dùng nguyện lực thay thế [nghiệp lực] thì chính là “thừa nguyện tái lai”.
Chúng ta chẳng sửa đổi vận mạng được, là do đạo lý nào? Tuy chúng ta cũng phát nguyện, nguyện lực của chúng ta nhỏ bé, nghiệp lực to lớn. So sánh hai đằng, nghiệp lực áp đảo nguyện lực, nguyện lực chẳng khởi tác dụng, vẫn nghe theo sự chi phối của nghiệp lực. Nếu nguyện lực của chúng ta thật sự thanh tịnh, kiên cố, nguyện lực vượt trội nghiệp lực, nghiệp lực chẳng khởi tác dụng, nguyện lực khởi tác dụng. Vì thế, sẽ là thừa nguyện tái lai. Không nhất định là sau khi đã sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới mới thả chiếc bè Từ trở lại, cũng đúng là như thế, nhưng ngay trong hiện tiền, khi tâm niệm của ta vừa chuyển, nguyện lực của ta thật sự vượt trỗi nghiệp lực, ngay trong một niệm hiện tại, đã là “thừa nguyện tái lai”. Thừa nguyện tái lai thì thọ mạng dài hay ngắn tự tại, ở trong thế gian, muốn trụ bao nhiêu năm, bèn trụ bấy nhiêu năm, mong ra đi lúc nào, bèn đi lúc ấy. Đó gọi là “liễu sanh tử, đắc đại tự tại”. Chúng ta làm được chuyện này, chẳng phải là không làm được, vấn đề là quý vị có chịu làm hay không? Bộ kinh luận nào, pháp môn nào giảng chuyện này thấu triệt nhất, viên mãn nhất? Kinh A Di Đà.
Trong hết thảy các kinh, kinh A Di Đà bậc nhất. Trong hết thảy danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát, A Di Đà bậc nhất! Do vậy, nếu thật sự hiểu rõ, thật sự lý giải ý nghĩa của kinh, thật sự tin tưởng, y giáo phụng hành, mỗi cá nhân trong hiện tiền đều có thể dùng nguyện lực để chuyển đổi nghiệp lực, xác thực là đắc đại tự tại. Vì thế, trong hết thảy các pháp, đối với chuyện khó nhất, ngay cả vận mạng mà còn chuyển được, thì đối với những chuyện vặt vãnh khác, lẽ nào chẳng chuyển được? Thứ gì cũng đều chuyển được. Vấn đề sanh tử người ấy còn giải quyết được, thì những chuyện cùng quẫn, hanh thông, phú quý trong thế gian này sẽ đều là chuyện nhỏ nhặt như lông gà, vỏ tỏi, chẳng có chuyện gì không viên mãn! Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
A DI ĐÀ PHẬT !