1. Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì làm, tới đâu thì tới.
2. Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi.
3. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn nhịn để vượt qua.
4. An chay, thương người, thương vật, tụng kinh.
5. Việc ác chớ để phạm, điều lành phải nên làm.
6. Thương người cùng thương vật, niệm Phật và tham thiền.
7. Chánh niệm đứng đầu là 3 niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
8. “Hằng ngày ăn thịt chúng sanh mà mong giải thoát, điều đó không bao giờ có được”.
9. Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua, gặp việc thì làm; rảnh việc thì nhiếp tâm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
10. Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già bà lão ăn chay niệm Phật.
Các bậc tổ đức ngày xưa khi vào trong đạo liền tìm cách để được định và tuệ. Chúng ta trong thời mạt pháp, lăn lóc trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều người nên tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là “tu mót”. Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua. Gặp việc thì làm việc. Rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được một phút thì tốt một phút. Được một giờ thì tốt một giờ. Thế nên đừng bỏ qua việc tu mót.
Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng vẫn đủ lúa gạo để ăn, vẫn nuôi thân, nuôi gia đình được. Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ đạo pháp, nuôi lớn pháp thân, huệ mạng của chính mình. Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại sẽ thấy “tu mót” lại nhiều hơn thời khoá tu hành chính. Vì thế nếu bỏ qua tu mót thì bỏ phí rất nhiều thời gian.
Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được rảnh rang thì gắng giữ ba điều: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn đời mình sống trong chánh pháp của đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ mỗi tăng tiến.