Năm 2007, Sau một lần Phật thất viên mãn Pháp sư Ấn Vinh người đã học Phật nhưng chưa xuất gia, đảnh lễ đức tướng của lão Pháp sư Tịnh Không, khi Ngài lạy đến lạy thứ hai, trong tâm phát nguyện: cầu sư phụ thượng nhân gia trì con có thể tìm được một vị minh sư và một đạo tràng Tịnh Tông thuần chính, con muốn chuyên tâm tu hành. Không lâu sau, có người giới thiệu Ngài đến chùa Lai Phật huyện Xã Kỳ lễ nhục thân Bồ Tát Pháp sư Hải Khánh. Đến chùa Lai Phật, Ngài đã gặp được lão Hòa thượng Hải Hiền.
Ngài vừa nhìn thấy lão Hòa thượng, tức khắc sanh vô lượng hoan hỷ. Ngài bái cầu lão Hòa thượng nhận Ngài làm đệ tử. Lão Hòa thượng không từ chối. Ba ngày sau, lão Hòa thượng vui mừng mà nói với Ngài: “Quán Âm Bồ Tát nói với ta, vẫn còn một đệ tử đến đây, sau đó thì con đến rồi.” Khi đó Pháp sư Ấn Vinh nghe xong không để tâm lắm, Ngài còn tưởng lão Hòa thượng đang nói sảng. Lúc này, người nông dân bên cạnh nói với Ngài: “Lão Hòa thượng này, thật không đơn giản! Có lần trong thôn đang khoan giếng, khoan mấy ngày rồi vẫn không có nước, lão Hòa thượng đến nhìn, rồi dùng gậy chỉ một nơi khác nói: ‘Quý vị khoan ở đây, ở đây có nước tốt.’ Mọi người làm theo lời của lão Hòa thượng khoan giếng, quả nhiên khoan được nước rất nhanh.”
Từ đó về sau, Pháp sư Ấn Vinh chứng kiến rất nhiều việc bất khả tư nghì của lão Hòa thượng. Cuối năm 2009, Pháp sư Ấn Vinh tự mình đi đến đạo tràng xưa của chùa Viên Minh đã bỏ hoang nhiều năm, Ngài nhìn thấy một cảnh tượng hoang vắng đổ nát, Ngài bèn phát tâm khôi phục đạo tràng, ở đây hoằng dương Pháp môn Tịnh độ. Chùa Viên Minh thành lập thời triều Kim, có gần 800 năm lịch sử, Minh, Thanh, Dân Quốc đều có trùng tu. Khi lão Hòa thượng Hải Hiền hơn 30 tuổi từng đến chùa Viên Minh tham học, lúc đó tự viện vô cùng hưng thịnh, có hơn 200 Tăng chúng thường trụ.
Sau này, trong cuộc “Văn Cách” tự viện bị hư hại. Chùa Viên Minh cách chùa Lai Phật khoảng 100 km, bởi vì chùa Viên Minh chỉ có một mình Pháp sư Ấn Vinh, còn có một vị làm cơm lớn tuổi, vì vậy Ngài không thể thường xuyên về thăm lão Hòa thượng Hải Hiền. Vì báo ân sư phụ, cứ cách khoảng thời gian Pháp sư Ấn Vinh sẽ đón lão Hòa thượng qua đó ở một thời gian ngắn. Hai ba năm trước khi lão Hòa thượng vãng sanh, phàm là những tự viện Ngài đã kiến lập hoặc là tự viện mà các đệ tử trụ trì, Ngài đều phải đến ở một thời gian, đặc biệt phải đến chùa Viên Minh, một là vì nơi này chỉ có một người xuất gia Pháp sư Ấn Vinh, vả lại cũng xuất gia không lâu; hai là vì điều kiện tự viện quá gian khổ. Lão Hòa thượng từng nói với một vị cư sĩ: “Tự viện này đặc biệt nghèo! Tôi qua ở, hương hỏa ở đó sẽ hưng chút.”
Pháp sư Ấn Vinh rất tận tâm, nghĩ đến việc lão Hòa thượng ở trên lầu đi vệ sinh không thuận tiện, bèn đặc biệt xây một căn phòng nhỏ có nhà vệ sinh. Lão Hòa thượng vẫn luôn kiên trì thức dậy rất sớm để lạy Phật niệm Phật, khi ở chùa Viên Minh cũng như vậy. Căn phòng nhỏ của Ngài mỗi ngày vào lúc người khác công phu buổi sáng thì đèn đã sáng, tiếp đó có thể nghe được Ngài trong tự viện niệm ‘A Di Đà Phật’. Lão Hòa thượng giống như trì Kim Cang, mỗi lần thời gian niệm Phật lên tiếng không lâu, nhưng mà mỗi sáng trong tự viện đều nghe được tiếng của Ngài kinh hành niệm Phật thời gian rất dài.
Mỗi ngày sau bữa ăn sáng, lão Hòa thượng bắt đầu tìm việc để làm, thường làm thì vài tiếng đồng hồ. Lão Hòa thượng và Pháp sư Ấn Vinh ở tự viện khai phá đất hoang, khi lão Hòa thượng nhìn thấy Pháp sư Ấn Vinh muốn làm việc, Ngài đều nói: “Con không cần làm nữa, đi niệm Phật đi!” Pháp sư Ấn Vinh nói: “Sư phụ à! Làm sao có thể kêu thầy hơn 100 tuổi đi làm việc, người thanh niên chúng con ngược lại đi trốn nhàn rỗi thế?”
Lão Hòa thượng nói: “Con niệm Phật không niệm ra công phu, vì vậy phải niệm nhiều. Niệm đến mức độ nhất định, cho dù lúc nào cũng đang niệm Phật. – Khi làm việc ta không làm lỡ việc niệm Phật!” Lão Hòa thượng thường nói với Pháp sư Ấn Vinh: “Đừng nhìn ta đang làm việc, ta lúc nào cũng đang niệm Phật trong tâm đó.” Lão Hòa thượng lúc nào cũng vậy, để mọi người đi niệm Phật, mà chính Ngài thì đi làm việc.
Vào một ngày mùa hè năm 2010, chùa Lai Phật đang làm Pháp Hội tam thời hệ niệm, đột nhiên bị cúp điện. Một số cư sĩ chịu không được sự oi bức trong niệm Phật đường, đã lui ra hóng gió, lại nhìn thấy trên vai lão Hòa thượng Hải Hiền đeo cái túi dụng cụ, khiêng một cái thang dài từ tháp viện đi đến. Lão Hòa thượng để cái thang tựa vào tường, leo lên trên, lấy dụng cụ ra bắt đầu làm việc. Sau đó một lúc, thật sự điện đã sửa xong rồi. Vào lúc lão Hòa thượng khiêng cái cầu thang chuẩn bị về tháp viện, có cư sĩ tới muốn giúp đỡ, lão Hòa thượng xua tay, cười tít mà nói: “Quý vị tiếp tục niệm Phật đi! Tôi ở đó không nghe thấy tiếng niệm Phật, thì biết dây điện lại hư rồi.”
Lão Hòa thượng đặc biệt quan tâm đến đệ tử, Ngài rất xem trọng công phu sáng tối, hầu như mỗi ngày lão Hòa thượng đều hỏi Pháp sư Ấn Vinh hai lần: “Công phu chưa?” Tuy rằng là câu nói bình thường, câu nói này vẫn luôn khích lệ Pháp sư Ấn Vinh dũng mãnh tinh tấn. Sau này, mỗi khi Ngài giải đãi, thì hình như nghe được tiếng sư phụ đang hỏi Ngài: “Công phu chưa?” Pháp sư Ấn Vinh đặc biệt kính yêu sư phụ của Ngài, tâm hiếu của Ngài đối với lão Hòa thượng cũng làm Pháp sư Ấn Chí bội phục, tán thán.
Pháp sư Ấn Chí, Pháp sư Ấn Hàm và Pháp sư Ấn Vinh phân ra trụ trì ba đạo tràng, sau khi lão Hòa thượng vãng sanh đều bày tỏ: đạo tràng sau này đời đời kiếp kiếp đều phải chuyên tu, chuyên hoằng Pháp môn Tịnh độ, tuyệt đối không phụ lòng, sự dạy dỗ ân cần và sự kỳ vọng tha thiết của ân sư, đem việc tốt đẹp truyền thống của lão Hòa thượng tiếp tục truyền thừa, tu tốt lục hòa kính, lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy, “một ngày không làm, một ngày không ăn.
– Trích sách: Hải Hội Thánh Hiền Lục (Cuộc đời và sự nghiệp của lão Hòa thượng Hải Hiền)