Trong Kinh Kim Cang dạy chúng ta tu Sáu Ba La Mật là đến đâu để tu? Là ở trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mặc áo ăn cơm của chính mình mà tu. Chúng ta lại nói ăn cơm sao lại là Sáu Ba La Mật chứ?
Chúng ta thấy đứng đầu trong Sáu Ba La Mật là Bố Thí Ba La Mật, Bố Thí tức là buông xả, buông xả cái gì vậy?
Buông xả cái tâm phân biệt chấp chước, buông xả cái tâm kén chọn của chính mình. Khi ăn cơm không có chấp chước cơm và thức ăn là ngon hay là dở, không có kén chọn phân biệt thức ăn, ăn ngon cũng tốt mà không ngon cũng tốt, tất cả đều rất tốt, thì đây chính là bạn đang tu Bố Thí.
Nếu như khi ăn cơm mà ta vẫn còn chê thức ăn này dở, ưa thích thức ăn kia ngon vì nó hợp khẩu vị của ta, thì việc Bố Thí của ta không còn nữa, là ta đang tạo sự phân biệt chấp chước trong việc ăn cơm. Cho nên, bạn hãy thử nghĩ xem ăn cơm có phải là Bố Thí Ba La Mật hay không?
Ăn cơm cũng chính là Trì Giới Ba La Mật. Sao gọi ăn cơm chính là Trì Giới? Trì giới tức là giữ nề nếp. Khi ta ăn cơm ăn rất nề nếp, rất qui cũ, chén đũa đều rất sạch sẽ, chỉnh tề, khi ăn cơm ngồi rất là ngay ngắn, đây chính là Trì Giới Ba La Mật.
Ăn cơm cũng chính là Nhẫn Nhục Ba La Mật. Khi ăn cơm ăn hết sức chậm rãi, không có vội vàng, ăn từng chút một, thì đây chính là Nhẫn Nhục. Nếu như khi ăn cơm mà chúng ta ăn như hùm như sói, thì là không có Nhẫn Nhục rồi.
Khi ăn cơm không nên ăn quá no, chỉ nên ăn vừa đủ là được rồi, nhất là hiện nay chúng ta trong mỗi bữa ăn nên bớt ăn các loại thịt, ăn nhiều rau xanh, bớt ăn những thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, ăn nhiều những thức ăn thanh đạm thì bộ mấy tiêu hoá của ta sẽ hấp thu dinh dưỡng không có chướng ngại, đây gọi là Tinh Tấn Ba La Mật.
Khi chúng ta ăn cơm, trong tâm rất thanh tịnh, không có bị quấy nhiễu bởi cảnh giới bên ngoài, luôn chuyên tâm vào việc ăn cơm thì đây chính là Thiền-Định Ba La Mật.
Khi ăn cơm ta đều nhận biết sắc-hương-vị của thức ăn như ngọt thì thấy ngọt, cay thì thấy cay, tất cả đều rất rõ ràng, thế nhưng ta không trụ trên sắc-thanh-vị này, thì đây chính là Bát Nhã Ba La Mật. Chứ không phải nói tất cả đều không biết, không phân biệt được, vậy thì người này là gỗ đá vô tri rồi, không phải là người đang tu Bát Nhã.
Cho nên ở trong đời sống thường ngày mặc áo, ăn cơm, đối nhân xử thế từng ly từng tí thẩy đều đầy đủ Sáu Ba La Mật, không gì không phải, điều quan trọng nhất chính là ta có biết tu hay là không. Nếu ta biết tu thì liền có được lợi ích, liền có được thọ dụng. Thành tích của việc học Phật thể hiện ở chỗ nào vậy? Thể hiện ở trên dung mạo, ở trên nhất cử nhất động của chính mình. Thân tâm khoẻ mạnh, dung mạo viên mãn chính là thành tích tu học tốt nhất của ta.
– Pháp sư Tịnh Không –
A Di Đà Phật