Phật trong các Kinh điển thường nói:
– Chúng sanh thời mạt pháp tu hành đa chư chướng nạn.
Đây tức là nói người tu hành bên trong thì có phiền não, bên ngoài thì có dụ hoặc, khiến cho thân và tâm chẳng lúc nào được an Định, theo đó đạo nghiệp cũng chẳng thể nào thành tựu được. Nói đến chướng nạn từ bên ngoài, phổ biến nhất chính là bạn xấu. Bạn xấu đối với người bình thường không tu đạo thì không hề gì, chỉ là làm cho người này ngày ngày gia tăng phiền não, nghiệp chướng ngày một dày thêm mà thôi. Còn đối với người tu học Phật pháp thì bạn xấu chính là một chướng nạn hết sức phiền phức, chẳng những khiến cho phiền não của bạn gia tăng nhanh chóng, khiến cho nghiệp chướng của bạn ngày càng nhiều thêm, còn khiến cho đạo nghiệp của bạn trong đời này không thể thành tựu được, con đường đi đến ác đạo cũng ngày càng gần thêm.
Vậy làm sao để phân biệt đâu là bạn thiện, đâu là bạn ác? Trong nhà Phật có một tiêu chuẩn nhất định để phân rõ bạn thiện và bạn ác, đó là:
– Mười ác chính là oan gia. Thập thiện là hậu hữu.
Phàm những người nào mà ngày ngày đều dạy bạn đi cạnh tranh, dạy bạn đi tranh danh đoạt lợi, dạy bạn sát-đạo-dâm, dạy bạn nói láo, nói thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói ác khẩu, dạy bạn tham-sân-si…thì gọi là oan gia, là bạn ác.
Phàm những người nào mà ngày ngày dạy bạn không tham, không sân, không si, không sát-đạo-dâm-vọng…thì gọi là hậu hữu, là bạn tốt.
Trong xã hội ngày nay, đa phần mọi người không cách chi phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác, liền đem thiện cho là ác, đem ác cho là thiện. Đối với oan gia thì lại xem đó là bạn tốt, vô cùng trân quý để rồi ngày ngày gần gũi, ngày ngày thân cận học hỏi. Học hỏi cái gì vậy? Học sát-đạo-dâm-vọng, học tham-sân-si-mạn, học làm ác, là học những cái này. Tại sao lại có cái hiện tượng này? Bởi vì trong tâm của họ có phiền não tham-sân-si-mạn, mà những người bạn này khởi tâm động niệm đều là tham-sân-si-mạn, do đó liền tương ưng với phiền não của họ, khiến cho họ vừa gặp liền yêu thích, vừa kết giao liền thân thiết, chính vì thế mà họ không có cách nào nhìn thấy được cái ác ở nơi những người bạn này.
Còn nếu như có người dạy họ không tham, không sân, không si, thì họ nhất định sẽ không kết bạn. Vì sao? Bởi vì họ cho rằng đây là người ngu si, thử hỏi trên thế gian này có ai mà chẳng tham tiền, chẳng tham địa vị, chẳng yêu thích vinh hoa phú quý chứ, trừ phi đó là kẻ ngu. Chính vì họ có cái suy nghĩ này cho nên họ đối với những người khuyên họ quay đầu đều ra sức bài trừ, chẳng muốn ở cùng một nơi với người đó.
Người xưa thường nói:
– Chọn bạn mà chơi.
Câu nói này quả thật chẳng sai chút nào. Cho nên, tôi khuyên những đồng tu mới học Phật, trong thiện-ác vẫn chưa thể biện biệt được rõ ràng, thì khi kết giao bạn bè không thể không xem trọng thiện-ác. Còn đối với những vị đã có căn cơ tu học vững chắc, nền tảng giáo học đã nắm vững thì dù gặp được bạn lành, hay gặp được bạn ác đối với bạn đều có chổ tốt. Khổng Tử nói:
– Ba người đi, ắt có thầy ta.
Xem thấy người thiện, tâm thiện, hành thiện, ngôn thiện của họ thì ta học với họ. Xem thấy người ác thì chính mình cần phải phản tỉnh cái ác này ta có hay không? Nếu có thì nên sửa, không có thì khích lệ chính mình tránh không nên phạm. Nếu có thể làm được như vậy, thì dù có chướng nạn gặp phải bạn ác đi nữa, ta cũng đều có thể hoá giải, đem chướng nạn thẩy đều biến thành trợ duyên cho ta trên con đường tu học để thành tựu đạo nghiệp của chính mình.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không –