Tại sao ngày nay chúng ta không có thành tựu thù thắng như vậy? Là do xem lệch lạc câu Phật hiệu này. Nó là quả giác, chúng ta không cho nó là quả giác, tưởng rằng nó là một câu danh hiệu bình thường, không bằng phương pháp sám hối, không bằng thập thiện, không bằng lục độ, đã ngộ nhận như vậy. Đâu biết rằng câu Phật hiệu này là hàm nhiếp viên mãn tất cả Phật Pháp, không biết, cho nên chúng ta niệm nó không khởi tác dụng. Không thể nói không khởi tác dụng, mà rất giới hạn, không viên mãn, chỉ có tác dụng tương đối thôi. Ta biết được một phần nó có một phần tác dụng, biết được hai phần thì có tác dụng hai phần. Biết được một cách viên mãn thì nó khởi tác dụng viên mãn, đây chính là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.
Thật sự rõ ràng minh bạch, như Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh nói: Nghiệp chướng, tội nghiệt của chúng ta, tất cả kinh điển trong Phật Pháp cũng không cứu được, đều không khởi tác dụng. Tất cả các nghi thức sám hối, tất cả các pháp môn đều không có hiệu quả. Sau cùng vẫn còn một pháp Nam Mô A Di Đà Phật, chắc chắn có thể cứu được.
“Trực tiếp dùng pháp tín nguyện trì danh rộng nhiếp lục độ vạn hạnh. Viên mãn thu nhiếp thập đại nguyện vương, trực tiếp đi vào một câu Phật hiệu, nhiếp tận vô biên hành môn của Phổ Hiền, quy về nhất hành tam muội của Văn Thù”. Trong kinh nói đến pháp phương tiện trong các pháp phương tiện, viên đốn trong viên đốn, chính là tín nguyện trì danh, đích thực không có gì viên hơn, không có gì đốn hơn. Pháp này rộng nhiếp lục độ vạn hạnh. Pháp tín nguyện trì danh, sáu ba la mật của Bồ Tát đều bao hàm trong đó. Vì danh hiệu bao gồm hết tất cả pháp thế xuất thế gian.
Các bậc Cổ Đức thời Tùy Đường từng nghiên cứu, lúc Đức Phật còn tại thế, giảng kinh thuyết pháp 49 năm. Trong tất cả các kinh điển này, có bộ kinh nào có thể đem tất cả pháp mà ngài nói trong 49 năm, bao gồm hết vào trong đó, mà không sót một pháp nào? Đích thực họ đã tìm ra, hầu như là mọi người đều thừa nhận, chính là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, trong Đại Thừa gọi là pháp luân căn bản. Tất cả pháp Đức Phật nói trong suốt 49 năm, đều là cành lá trên gốc rễ này.
Ngày xưa thành lập nên 10 Tông phái của Đại Thừa và Tiểu Thừa, 10 Tông này giống như thân cây, nhánh sanh ra từ thân, nhánh sanh cành, cành sanh lá. Bởi vậy mỗi lá cây, chúng ta từ từ đi tìm kiếm, đều có thể tìm ra gốc rễ, đều từ một gốc rễ sanh ra, gốc rễ này chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Sau cùng Kinh Hoa Nghiêm, thập đại nguyện vương quy về Cực Lạc, tức trở về Vô Lượng Thọ, nên Vô Lượng Thọ là chỗ quay về của Kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm nhiếp thu tất cả pháp, Vô Lượng Thọ đương nhiên cũng nhiếp tất cả pháp. Bởi thế lục độ vạn hạnh, thập đại nguyện vương đều ở trong một câu danh hiệu, trực tiếp đi vào một câu Phật hiệu. Câu Phật hiệu này là Nam Mô A Di Đà Phật. “Nhiếp tận vô biên hành môn của Phổ Hiền”, giải môn và hành môn đều bao hàm hết trong câu Phật hiệu này, bởi vậy công đức Phật hiệu không thể nghĩ bàn, công đức Phật hiệu không gì sánh được, không có pháp nào bằng. Vì thế chúng ta phải tu vô lượng trí tuệ, vô lượng phước báo, tu từ đâu? Niệm Phật là tu được tất cả. Điều này rất nhiều người không biết. Dùng phương pháp này tu phước, dùng phương pháp kia tu phước, thua xa một câu Phật hiệu. Nếu không phải thâm nhập kinh tạng, làm sao ta biết được? Nhưng câu Phật hiệu này phải dùng tâm chân thành để niệm, thật sự là một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Tất cả thiện pháp thế xuất thế gian đến quả vị Phật là viên mãn, đúng là không thể nghĩ bàn.
Trong quyển hạ của Văn Thù Bát Nhã Kinh nói: “Nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn, muốn vào nhất hành tam muội, nên để tâm nhẹ nhàng, bỏ các loạn ý, không dùng tướng mạo, buộc tâm vào nơi Phật, chuyên xưng danh tự, lúc nào cũng hướng về Phật”. Bây giờ chúng ta niệm Phật A Di Đà, ngài ở Phương Tây, nên từng giờ từng phút hướng về Phương Tây. “Đoan tâm chánh hướng, có thể niệm niệm tương tục đối với một vị Phật, tức là trong niệm có thể thấy được Chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai”. Câu này trong cuối quyển hạ của Khởi Tín Luận Nghĩa Ký có, trong quyển hạ Vãng Sanh Lễ Tán của An Lạc Tập cũng có đoạn này, đều là mượn trong Văn Thù Bát Nhã Kinh để nói. Do đây có thể biết, chỉ cần buộc tâm vào một vị Phật, chuyên xưng niệm danh tự là được.
Nhất tâm niệm Phật, trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra đều buông bỏ hết. Vì trong tâm chỉ có Phật A Di Đà, đây gọi là sự. Từ sự nhất tâm niệm đến lý nhất tâm, đây là phương pháp chúng ta có thể dùng. Nếu không có sự, chỉ dùng lý nhất tâm, chúng ta không làm được, nhất định có vọng tưởng, tạp niệm xen vào. Bởi thế chúng ta để Phật A Di Đà trong tâm, những thứ lẫn tạp khác trừ sạch hết. Khởi tâm động niệm là A Di Đà Phật, trong miệng niệm A Di Đà Phật, nhất cử nhất động của chúng ta đều là Phật sự.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa [Tinh Hoa Khai Thị]
Trích Đoạn TĐĐK – Tập, 596
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư