Bạn xem, tiêu chuẩn giáo học của nhà Nho là “Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác ngôn”. Đây là khi hai người bạn có ý kiến bất hòa, trở mặt, đoạn kết giao, nhưng chắc chắn họ không nói một câu nói xấu nào đối với đối phương. Mức độ thấp nhất của nhà Nho là quân tử, hiện tại trên thế giới không còn. Tại vì sao nhà Nho dạy người như vậy? Giúp cho an toàn xã hội, giúp cho thế giới hòa bình. Thật là cừ khôi! “Bất xuất ác ngôn” công hiệu lớn đến như vậy!
Ác ngôn, dèm pha sanh sự, hậu quả nhỏ thì phá hoại gia đình người ta, làm cho cả nhà người ta bất hòa; lớn là phá hoại đoàn thể, làm đoàn thể bất hòa, nếu như là đoàn thể Phật giáo, thì tội của họ tương lai chắc chắn đọa A Tỳ Địa Ngục. Vì sao vậy? “Phá hòa hợp tăng”, đây là tội ngũ nghịch thập ác. Các vị đọc qua kinh Địa Tạng, kinh Địa Tạng mọi người đều rất quen thuộc, ngày trước chúng ta cũng đã giảng qua “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh”, mọi người đều đã xem qua, tội ngũ nghịch là giết phụ thân, giết mẫu thân, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, năm điều này là tội nghiệp của A Tỳ Địa Ngục. Người có một chút trí tuệ, đầu óc rõ ràng, làm gì mà chịu làm những việc hồ đồ này! Địa ngục rất dễ dàng bước vào, nhưng đi ra thật khó.
Phần tử trong đoàn thể này có xấu hơn là việc của họ, nhân quả của mỗi người, mỗi người tự gánh lấy, ta tuyệt đối không nói một câu. Không có quan hệ gì với ta, ta không tạo cái nghiệp này. Chúng ta phải tin tưởng giáo huấn này của Phật. Tại vì sao người khác tạo bất thiện, ta lại muốn đem cái bất thiện của họ để vào trong tâm của ta, đem cái tâm của mình biến thành bất thiện? Tổn thất này quá lớn, đây là người ngu si nhất của thế gian. Phật ở trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo kinh” vừa mở đầu liền dạy bảo chúng ta (chúng tôi cũng đã tốn rất nhiều thời gian đặc biệt giảng nói cho các đồng tu nghe): “Không để một chút gì bất thiện xen tạp”. Câu nói này của Phật quan trọng, phải dưỡng cái tâm thuần thiện của chính mình, không nên nói lỗi lầm của người khác.
Chúng ta không thể nói lỗi lầm của người, không thể đem nó để vào trong tâm, hay nói cách khác, ở trong tâm của ta không lưu lại dấu vết về lỗi lầm của bất cứ người nào thì chúng ta thành công, chúng ta là người đại thiện. Vì sao chúng ta đem lỗi lầm của người khác để vào trong tâm của chính mình, làm cho tâm của chính mình hư đi? Tâm của mình giống như cái kho rất thanh tịnh, bạn đem chứa rác rưởi của người khác, bạn nói xem, có oan uổng hay không? Đem những tội lỗi, phải quấy của người thế gian không liên quan để vào trong cái kho chứa thanh tịnh của chính mình, tâm của chính mình biến xấu rồi. Loại người này chân thật là hồ đồ hết chỗ nói. Tại vì sao họ có thể làm như vậy? Thật đáng thương, họ không nhận qua giáo dục, không có người dạy họ.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo giảng giải, tập 66
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hương, Phật tử Diệu Hiền