Hiện nay mục tiêu đầu tiên chính là cầu sanh thế giới Cực Lạc. Trong bộ kinh này, Phật A Di Đà vô cùng khẩn thiết khuyên chúng ta, chúng ta phải nghe lời, phải làm học sinh tốt. PHẢI THẬT SỰ NHẬN THỨC thế gian hư vọng, không có gì chân thật, phải buông bỏ triệt để, không nên để nó trong lòng. Niệm rốt ráo một câu Phật hiệu, như vậy là đúng.
Thiền định, thiền định LÀ phương pháp, KHÔNG PHẢI mục đích. Thế nên phải giác ngộ “chư thiền hư ngụy”, vì sao vậy? Vì tự tánh vốn định, đó là thật.
Tất cả những phương pháp tu thiền định này, đạt được cảnh giới thiền định, đều không nên lưu luyến. Trong Đàn Kinh ngài Huệ Năng nói rất hay: “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”. Câu nói này dùng tại đây, giải thích chỗ này là vừa đúng. Vì sao chư thiền hư giả? Chúng ta không nên vọng tưởng, vì tự tánh vốn định, xưa nay không hề dao động. Tất cả thiền định đều dùng phương pháp để tu, bao nhiêu phương pháp? Trong kinh Phật dạy: Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu gì? Toàn tu thiền định. Hiện nay chúng ta niệm Phật là tu thiền định, dùng một câu Phật hiệu, để tâm định tại câu Phật hiệu, khiến tâm không tạp niệm, đây là Thiền định, đây gọi là niệm Phật tam muội.
Tám vạn bốn ngàn phương pháp, toàn là tu thiền định, xa rời thiền định không phải Phật pháp, điều này chư vị nên biết. Phật pháp là nhân giới được định, nhân định khai tuệ, tuệ là mục tiêu sau cùng. Thế nên định càng sâu, tuệ càng lớn. Muốn nhập vào thiền định thậm thâm, sâu đến sau cùng là tự tánh bổn định, không cần tu, vốn nó ở trong đại định. Thế nên đối với cảnh giới trong thiền định, không được chấp trước, chấp trước không thể nâng cao lên. KHÔNG CHẤP TRƯỚC MỚI NÂNG CAO CẢNH GIỚI ĐƯỢC, MÃI MÃI KHÔNG CHẤP TRƯỚC, CẢNH GIỚI CỨ NÂNG CAO MÃI, đây gọi là định. Cảnh giới thiền định rất hay, rất nhu hòa, an lạc.
Nếu THAM LUYẾN cảnh giới này, trú trong cảnh giới này, KHÔNG THỂ tiếp tục nâng cao lên được. Khai thị này QUAN TRỌNG HƠN bất lỳ điều gì, cảnh giới thiền định dù tốt đến đâu cũng không lưu luyến. Nên ghi nhớ lời Phật dạy: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, kể cả tương lai quý vị sanh đến cõi thật báo trang nghiêm cũng không lưu luyến, đó cũng không phải thật. Đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh, cõi thật báo trang nghiêm tự nhiên không còn, nó không phải thật, chỉ có thường tịch quang là thật, tự tánh là thật. Mục tiêu sau cùng là trở về tự tánh, trong Tịnh độ nói: Trở về thường tịch quang, cứu cánh viên mãn. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói Diệu Giác quả Phật, chính là nói về vấn đề này.
Vấn đề sau cùng, thứ bảy, niệm giác phần. “Nhược tu xuất thế đọa thời, thiện năng giác liễu, thường sử định tuệ quân bình”. Câu này vô cùng QUAN TRỌNG, người tu hành MỌI LÚC MỌI NƠI PHẢI giữ quân bình giữa định và tuệ, MỚI NÂNG CAO cảnh giới được, duy trì BÌNH THƯỜNG.
Định NHIỀU tuệ ÍT, họ lệch bên này, tuệ nhiều định ít họ lại nghiêng về bên kia. Nghiêng tức KHÔNG bình thường, muốn nâng cao lên ĐƯƠNG NHIÊN khó khăn. Khi duy trì bình thường, họ dễ dàng nâng cao, nên định tuệ nhất định PHẢI cân bằng, gọi là quân bình.
Điều này bên dưới có giải thích, nếu tâm ĐẮM CHÌM, niệm lúc đó dùng ba giác phần: trạch pháp, tinh tấn, hỷ để giám sát. Khi chúng ta dụng công cảm thấy hôn trầm, tinh thần không phấn chấn, lúc này phải dùng trí tuệ để lựa chọn phương pháp, làm thế nào có thể giúp chúng ta phấn chấn lên, giúp quý vị pháp hỷ sung mãn. Pháp hỷ rất quan trọng. Ngạn ngữ nói rằng: “Nhân phùng hỷ sự tinh thần sảng”. Quý vị gặp chuyện vui, đặc biệt rất có tinh thần, không cảm thấy mệt mỏi. Thế nên học Phật phải học đến pháp hỷ, mệt mỏi sẽ không có, tự nhiên không có.
Nên ở thế giới tây phương Cực Lạc, pháp hỷ này không gián đoạn. Pháp hỷ khiến chúng ta không cần ẩm thực, pháp hỷ khiến chúng ta không cần ngủ nghỉ, pháp hỷ đem đến cho quý vị miên viễn tinh tấn dõng mãnh. Trong tự tánh chúng ta vốn có, cũng là oai thần Phật A Di Đà gia trì, hiện tại chúng ta có được Phật lực gia trì chăng? Được, tinh tấn tu hành sẽ được, y giáo phụng hành những gì trong kinh dạy, chúng ta đạt được tất cả, liền được Phật lực gia trì. Nếu còn tập khí phiền não, CHƯA BUÔNG BỎ tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, Phật muốn gia trì CŨNG KHÔNG gia trì được, vì sao vậy? Vì quý vị bài xích. Không phải Phật không từ bi, mà là nghiệp lực của quý vị làm chủ, do đó tiêu nghiệp chướng rất quan trọng. Điều này hàng sơ học phải hiểu, nếu không thể đột phá chướng ngại này, trong đời rất khó thành tựu.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn nghĩa – Tập 460
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm