Chư Phật Bồ Tát, mỗi niệm là giác ngộ tất cả chúng sanh. Chỉ có người giác ngộ, mới thật sự tùy thuận tánh đức, chắc chắn không trái ngược, tánh đức là chân thiện. Tánh người vốn thiện, đây là các bậc cổ nhân ngày xưa nói. Nên chắc chắn không có ác niệm, không có ác khẩu, không có ác hành.
Còn có hành vi này, đặc biệt là ý niệm, còn có ác niệm. Như vậy là sai, là bất thiện, trái với tánh đức. Trái với tánh đức tức là làm ác, văn tự trong kinh cũng thường dùng “ác tác”, ác tác và tác ác cùng một nghĩa. Trong làm ác, điều ác lớn nhất là sát sanh. Nên trong giới luật, bất luận là năm giới, mười giới của tại gia, hoặc là tỳ kheo, tỳ kheo ni, Bồ Tát giới của xuất gia, giới đầu tiên là không sát sanh. Vì sao giới này để đầu tiên? Đó chính là nói, sát sanh là tội ác lớn nhất, đặc biệt là giết người, đó là tội gì? Gọi là nghiệp địa ngục. Quý vị đã tạo nghiệp địa ngục, sẽ chiêu cảm quả báo địa ngục. Tội giết người nặng nhất, kế đến là giết hại súc sanh.
Khi chúng ta chưa học Phật, không hiểu đạo lý này, sát hại không biết bao nhiêu chúng sanh? Không giết người, nhưng giết không ít súc sinh. Chúng ta mỗi ngày ăn thịt đều là sát sinh, không ăn thịt mà ăn cá, cá cũng có sinh mạng. Không thể nói ăn cá là không sát sinh, đều là sát sinh cả, giống ở dưới nước. Đứng đầu thủy tộc là Long Vương, quý vị kết oán với họ. Thế nên trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói: Không ăn thịt của tất cả chúng sanh, đây là đại giới của nhà Phật.
Người thế gian có quyền có thế, phát động một lần chiến tranh, không kể lý do gì, đều là tạo nghiệp địa ngục. Chúng ta có thể tưởng tượng được, những linh hồn tử nạn trong chiến tranh, hiện nay họ ở đâu? Hiện nay họ vẫn đang chiến tranh.
Lúc đại thế chiến lần thứ hai, chúng tôi khoảng mười mấy, hai mươi tuổi. Nhớ lại, đúng là binh mã hỗn loạn. Hình ảnh chiến tranh chúng tôi ấn tượng rất sâu, có khi nằm mơ cũng là chạy nạn, vẫn đang đánh trận! Điều này chúng sẽ ta hiểu, những người tử nạn trong chiến tranh, họ vĩnh viễn đang chiến tranh, không hề nghỉ ngơi, vì sao? Trong đầu họ không nghĩ gì khác, chỉ nghĩ đến chiến tranh. Thế nên phát động chiến tranh, tuyệt đối không phải là chuyện tốt. Bất luận chiến tranh này là thắng hay thua, tất cả đều là nghiệp địa ngục, rất đáng sợ. Nếu nói là đế vương, vì mở rộng lãnh thổ của mình, mở rộng thống trị của mình, không cần chiến tranh cũng làm được. Trung quốc có kinh nghiệm, có lịch sử. Quý vị xem, Nghiêu, Thuấn, Ngu Thang, những người như Văn Võ Chu Công, họ không dùng phương thức chiến tranh. Họ dùng phương pháp gì, để mở rộng thống trị của mình, củng cố chính quyền của mình? Họ dùng đạo đức, dùng giáo dục. Văn hóa có thể củng cố chính quyền, văn hóa có thể thống nhất, vì sao không làm như vậy? Làm theo phương diện này chính là “chỉ ư chí thiện”.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 454)