Nói đến làm phước thì nhiều người cho rằng hễ vật mình cho đi càng có giá trị thì phước báo mình nhận được đó sẽ tương ứng với giá trị mình đã bố thí. Thật ra đây chỉ là do tâm phân biệt ít nhiều của mọi người mà ra, chứ luật Nhân – Quả chẳng phải như thế. Nếu để ý, trong cuộc sống chúng ta dễ dàng thấy được có người chỉ bố thí có 1 đồng bạc thôi nhưng phước báo họ nhận được đó lại vô cùng to lớn, còn có những người đem vài mươi triệu đi bố thí nhưng phước báo họ nhận lại vô cùng nhỏ bé. Điều này nói lên rằng phước báo mà chúng ta tu được đó chẳng tùy thuộc vào số tiền chúng ta đã đem bố thí. Vậy phước báo tùy thuộc vào điều gì? Tùy thuộc vào tâm lượng khi hành bố thí.
Nếu tâm lượng của mình quá nhỏ hẹp, làm phước chẳng qua là làm cho có lệ, làm cho người khác xem, hoặc vì mong cầu phước báo, thì kết quả là phước báo mình nhận được đó lại vô cùng nhỏ, vì nó tương ưng với cái tâm nhỏ hẹp mình phát ra khi hành bố thí.
Ngày xưa, có cô gái ăn xin đến chùa lễ Phật, cô đem dâng cúng hết 2 đồng là số tiền cô xin được trong ngày hôm đó. Không ngờ sư trụ trì đích thân hồi hướng cho cô. Sau này nhờ phước báo cúng 2 đồng đó mà cô được tuyển vào cung làm quý phi. Sau khi giàu có, cô nhớ đến ngôi chùa năm xưa, nên sai tùy tùng mang 2000 lạng bạc đến chùa cúng dường. Lần này sư trụ trì chỉ bảo đệ tử ra hồi hướng cho cô mà thôi. Cô rất ngạc nhiên mà hỏi rằng:
– Con lần trước chẳng qua là chỉ cúng dường có 2 đồng bạc, thầy lại đích thân hồi hướng cho con. Lần này con cúng dường đến 2000 lạng bạc, nhưng thầy lại không đích thân hồi hướng cho con. Không biết là vì nhân duyên gì?
Sư trụ trì trả lời rằng:
– Trước đây con cúng dường tuy ít, song rất mực chân thành. Nếu ta không đích thân hồi hướng cho con thì e không xứng với cái tâm chân thành đó. Nay con cúng dường tuy nhiều song không chân thiết chí thành như lần trước, cho nên ta cho người hồi hướng thay cũng đủ rồi.
Vì vậy, tuy chỉ có 2 đồng bố thí vẫn kể là việc thiện trọn vẹn, 2000 lạng bạc tuy nhiều nhưng vẫn coi là việc thiện phân nửa. Sao gọi là việc thiện phân nửa? Vì chỉ có tiền mà không có tâm, cái tâm lượng quá nhỏ hẹp.
Nhà Phật thường nói:
– Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới.
Nếu tâm mình phát ra đó to lớn bao trùm cả hư không khi hành thiện, thì phước báo mình nhận được đó nhiều bằng cả hư không. Đây mới chính là việc thiện trọn vẹn. Vì sao? Vì tâm và hành đều tương ưng.
Vào triều nhà Hán, đạo sĩ Chung Ly đem phương pháp luyện đan của mình truyền lại cho Lã Đồng Tân, có thể chỉ sắt hóa vàng đem ra cứu giúp người nghèo. Lã Đồng Tân mới hỏi Chung Ly:
– Sắt biến thành vàng, xin hỏi bao lâu thì trở lại thành sắt?
Chung Ly đáp:
– Sau 500 năm sẽ trở lại thành sắt.
Lã Đồng Tân mới bảo:
– Vậy sẽ gây hại cho người 500 năm sau. Tôi không muốn làm việc này.
Chung Ly sở dĩ muốn dạy Lã Đồng Tân chỉ sắt hóa vàng chẳng qua là muốn thử tâm của Lã Đồng Tân mà thôi. Cho nên khi nghe Lã Đồng Tân nói vậy mới biết ông có tâm lành chân thật, mới bảo rằng:
– Tu tiên cần phải tích chứa đủ 3000 công đức. Nay ông nói được lời này thì 3000 công đức xem như đã đủ.
Đây là việc thiện trọn vẹn, vì tâm chân thật lo nghĩ đến tất cả mọi người, nên dù chỉ là 1 lời nói mà công đức đã trọn vẹn.
Người đời nay tâm lượng quá nhỏ hẹp, ngoài tự tư tự lợi của bản thân mình ra thì trong tâm không chứa nổi 1 vật, 1 người nào cả. Vậy thì làm sao có thể tự cầu lấy phước báo cho mình chứ? Nên biết rằng, dù là thế gian pháp hay là Phật pháp đều chẳng ngoài tâm, đều chỉ quý nơi tâm lượng, chẳng quý nơi hình thức bên ngoài.
Nay đã hiểu rõ đạo lý này rồi thì khi hành thiện tu phước, mình mới biết được chính mình cần phải hành thiện như thế nào, tu phước ra sao, tâm lượng phát ra bao lớn, mới có thể dẹp bỏ được những tự tư tự lợi của bản thân để tự cầu đa phước cho chính mình. Cổ nhân thường nói:
– Khi mê tiền chỉ là tiền, ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm.
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không, truyện Liễu Phàm Tứ Huấn –
Nguồn: Gia Phong Nguyen
St Mộc Tâm