Đã tạo tác tội nghiệp thì không thể không có quả báo. Thế xuất thế gian chân tướng nói rõ ra rồi, chẳng qua là nhân duyên quả báo mà thôi, cho nên nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả vì sao bất không? Nhân quả chuyển biến bất không. Chuyển biến này là sát na đang chuyển biến, mỗi niệm không trụ. Nhân quả tiếp nối bất không, nhân quả tuần hoàn bất không. Đối với những sự thật này, Phật hiểu rõ được rất thấu triệt, rất rõ ràng. Ngài khuyên chúng ta tu thiện, khuyên chúng ta đoạn ác, vậy thì chúng ta niệm Phật phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, khi vừa mở đầu Kinh này, Phật liền dạy bảo chúng ta phương pháp tu hành căn bản, chúng ta có làm được hay không?
“Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mà ngày ngày còn nói lỗi của người khác, tương lai bạn sẽ vãng sanh đến nơi nào vậy? Vãng sanh đến địa ngục cắt lưỡi, chắc chắn không phải Thế giới Cực Lạc. Ngày ngày khiêu khích phải quấy, quả báo là ở địa ngục núi đao, địa ngục vạc dầu, làm gì có thể vãng sanh?
“Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người. Khéo giữ thân nghiệp, không mất oai nghi. Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm”. Ba câu này là phương pháp tu hành căn bản, chính là “Thập Thiện Nghiệp Đạo”.
“Thập Thiện Nghiệp Đạo” là gì? Là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” thực tiễn phước thứ nhất. Phật ở trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” dạy bảo phu nhân Vi Đề Hy phương pháp cầu sanh Tịnh Độ, vừa mở đầu thì giảng “Tịnh Nghiệp Tam Phước”: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu nói này là căn bản giáo hóa chúng sanh của mười phương ba đời tất cả chư Phật.
Phật pháp là gì? Phật pháp là hiếu thân tôn sư, bắt đầu từ ngay chỗ này, cũng đến ngay chỗ này mà viên mãn. Hiếu thân tôn sư làm đến viên mãn thì liền thành Phật. Hiếu thân tôn sư quyết không phải chỉ treo ở trên cửa miệng, mà phải thực tiễn. Thực tiễn ở chỗ nào? Thực tiễn ở “từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Cho nên, nhà Phật thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”.
“Từ tâm bất sát” là gốc. Không chỉ không sát hại tất cả chúng sanh, mà làm cho tất cả chúng sanh sanh phiền não thì lỗi lầm của bạn liền sanh khởi. Người chân thật đầy đủ tâm từ bi thì chắc chắn sẽ không khiến cho tất cả chúng sanh vì ta mà sanh phiền não. Sự lý nhân tình thế gian thay đổi khó lường. Chúng ta cùng ở với người, thường hay làm cho người phiền não là việc không thể tránh khỏi. Do nguyên nhân gì? Là do tập khí từ vô lượng kiếp.
Chúng ta qua lại với người đều là có nhân duyên, không có duyên thì chắc chắn sẽ không tương phùng, sẽ không quen biết. Chỉ cần tương phùng quen biết thì đều là có duyên phận. Duyên phận này rất phức tạp, rối rắm. Ở trên Kinh, Phật đem nó quy nạp lại làm bốn loại lớn là: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Chúng ta tiếp xúc với tất cả chúng sanh luôn không ngoài bốn loại lớn này. Vô lượng kiếp đến nay, chúng ta cùng vô lượng vô biên chúng sanh đã kết những cái duyên thiện ác này, sau khi gặp được làm sao có thể dễ qua? Khi không giác ngộ thì làm thế nào? Oan oan tương báo không thể kết thúc, phiền phức chính ngay chỗ này. Người giác ngộ thì dễ xử lý, như cư sĩ Hứa Triết, đây là đại biểu cho một người giác ngộ. Người giác ngộ gặp phải tất cả không như ý thì không nên trách họ, mà quay đầu lại phản tỉnh, đích thực ta làm chưa đủ tốt, ta làm ra khiến cho họ không vừa ý? Chính mình tự cải tiến, quyết không trách cứ người khác.
Nhà Phật có một câu nói: “Quay đầu là bờ”. Quay đầu là gì? Không nên thấy lỗi người khác mà phải thấy lỗi của chính mình, không nên trách người khác mà phải trách chính mình. Có như vậy thì chính mình mới được cứu, chính mình mới có thể được độ. Nếu như lúc nào cũng cho rằng chính mình không có sai lầm, sai đều là ở nơi người khác, thì bạn ngay đời này không có hy vọng vãng sanh, bạn ngay đời này khẳng định vẫn là đọa lạc sáu cõi ba đường; niệm Phật có niệm được tốt hơn, chỉ là kết cái duyên với A Di Đà Phật, trong A Lại Da Thức trồng xuống hạt giống Phật. Chủng tử này tuy là chủng tử kim cang vĩnh viễn bất hoại, thế nhưng lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở trong mi chú của “Kinh Vô Lượng Thọ” viết được rất hay: “Khó tránh được nhiều kiếp luân hồi”. Đây là thật, không phải là giả. Chúng ta nhất định phải có tâm cảnh giác cao độ.
Pháp môn này không dễ dàng gặp được. Trên Kinh thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, trên kệ khai Kinh chúng ta ngày ngày đọc: “Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”, đây đều là lời chân thật. Chúng ta lỡ qua cơ hội lần này, có thể là trăm ngàn vạn kiếp sau, chúng ta mới có thể gặp lại. Trăm ngàn vạn kiếp luân hồi trong sáu cõi ba đường, cái khổ đó có thể chịu đủ rồi. Chúng ta nghĩ đến chỗ này, tâm cảnh giác tự nhiên liền hiện tiền, tự nhiên liền có thể đề khởi, triệt để cải lỗi, chân thật hồi đầu. Ngày trước có lỗi với Tam Bảo, báng Phật, báng pháp, báng tăng, làm cái việc diệt Phật pháp, phá hòa hợp tăng, đây đều là tội nghiệp của A Tỳ Địa Ngục, chỉ cần hiện tại chúng ta vẫn còn một hơi thở, hơi thở này vẫn chưa dứt, liền có thể sám hối, liền có thể hồi đầu.
Chúng ta phải thật sám hối, không nên để ý đến sĩ diện. Sĩ diện thì có ích gì, vẫn là phải đọa ba đường. Ngày trước ta báng Tam Bảo, ta làm thế nào sám hối? Quay đầu lại, ta phải tán thán Tam Bảo. Ngày trước ta phá hòa hợp tăng, hiện tại ta phải ủng hộ hòa hợp tăng. Đây gọi là chân sám hối. Không phải ở trước Phật cầu đảo kỳ nguyện: “Con sám hối, con sai rồi”, mà ở bên ngoài thì không nói với người một câu nào, vậy thì không hữu dụng. Cho nên sám hối, nhà Phật gọi là “phát lồ sám hối”, thẳng thắn tuyên bố với mọi người chính mình sai rồi, từ nay về sau ta thay đổi tự làm mới. Vậy mới được tính đến. Nếu trước mặt đại chúng chỉ lo thể diện, vì thể diện mà không dám nói, còn ở trước tượng Phật Bồ Tát thì thầm thỏ thẻ, thì thầm nửa ngày cũng không ích gì. Tu pháp sám hối mà không biết được cách tu như thế nào! Cần phải đem lỗi lầm của chính mình nói ra.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 182)