Có rất nhiều vị đồng tu đều cảm thấy nghiệp chướng của mình nặng lắm, đều là do từ vô thỉ kiếp mãi cho đến kiếp này đã tạo tội nghiệp quá nhiều, đều rất muốn tu sám hối để mong sám trừ nghiệp chướng của chính mình, nhưng phải sám hối bằng cách nào thì họ không biết, cứ nghĩ rằng ở trong Phật đường lạy vài bộ Kinh Lương Hoàng Sám, Đại Bi Sám thì nghiệp chướng sẽ được sám trừ hết. Sau khi quý vị lạy xong thì về nhà hãy bình tĩnh mà suy xét xem nghiệp chướng của quý vị đã trừ hết chưa? Nếu nghiệp chướng vẫn còn, vẫn chưa có sám trừ thì cái lạy đó là uổng phí.
Vậy việc sám hối có hiệu quả hay không? Thật sự là có hiệu quả. Thế tại sao quý vị lạy mà chẳng có hiệu quả? Là vì thân quý vị lạy, còn tâm thì không lạy, khi quý vị trong Phật đường dập đầu lễ bái nhưng trong tâm lại không ngừng khởi dậy vọng tưởng, đây là tâm và hành chẳng tương ưng, cho nên nghiệp chướng của quý vị chẳng được sám trừ.
Vậy cái gì gọi là nghiệp chướng? Nghiệp là tạo tác. Khi chúng ta gặp 1 người mới quen biết, thế nào họ cũng hỏi chúng ta làm nghề gì? Chúng ta hành nghề nào thì là tạo hành nghiệp đó, đây cũng tức là ta đang tạo nghiệp, người người đều đang tạo nghiệp. Không những người thành niên trong xã hội tạo nghiệp mà trẻ nhỏ vừa mới đi học, ngày ngày đều học bài, đều làm bài, cũng là đang tạo nghiệp, đã bắt đầu thọ nghiệp rồi. Còn công cụ tạo tác là thân, khẩu, ý.
Trong lòng khởi tâm động niệm thì gọi là Ý nghiệp, nếu anh khởi 1 niệm thiện thì là nghiệp thiện, khởi 1 niệm ác thì anh đã tạo ác nghiệp. Ngôn ngữ từ miệng nên gọi là Khẩu nghiệp. Thân thể tạo tác thì gọi là Thân nghiệp.
Trong 3 nghiệp thân, khẩu, ý này thì Ý nghiệp là chủ. Nếu ý chẳng động thì thân và khẩu của anh làm sao tạo nghiệp được.
Chúng ta phải biết rằng, ác nghiệp là chướng ngại mà thiện nghiệp cũng là chướng ngại. Chướng ngại gì vậy? Là chướng ngại tự tánh thanh tịnh, chướng ngại tánh bình đẳng, chướng ngại tánh giác ngộ của ta, cho nên được gọi là nghiệp chướng.
Nếu chân thật sám hối thì nhất định nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ. Cái dáng của nghiệp chướng tiêu trừ ra làm sao? Tâm đã thanh tịnh, vọng tưởng ít, tạp niệm ít, phiền não tham, sân, si, mạn dần ít đi. Ngày trước, đối với việc gì cũng hàm hồ, cũng không rõ ràng, còn hiện này thì khi nhìn, khi nghe đều rất rõ ràng, rất minh bạch đây chính là hiện tượng nghiệp chướng đã được sám trừ.
Sám hối nghiệp chướng cần phải từ trong tâm địa của chính mình mà hạ thủ công phu. Vậy phải làm cách nào đây? Đó là anh phải biết lỗi lầm của mình. Mỗi ngày cần phải phản tỉnh, phải kiểm điểm xem hôm nay tôi có lỗi lầm nào hay không. Phàm phu chúng ta nói thật nghiệp chướng rất nặng, nặng đến mức độ nào? Nghĩ cách nào cũng không thể nghĩ ra hôm nay chính mình có những lỗi lầm gì, suốt ngày đều đang phạm lỗi lầm mà họ lại không hay biết, vấn đề này thì là vô cùng nghiêm trọng. Cho nên, nhất định phải tìm cho ra lỗi lầm của chính mình, khi biết được lỗi lầm của mình rồi thì đây chính là khai ngộ, sau đó đem lỗi lầm của mình cải chính trở lại thì gọi là tu hành.
Vì thế, chỗ gọi là tu hành tức là sám trừ nghiệp chướng, sửa lỗi tự thân. Nếu 1 ngày có thể sửa 1 lỗi lầm, sửa trên 3 năm thì xin thưa với quý vị nếu anh không là Thánh Nhân thì cũng là Hiền Nhân. Khi anh vãng sanh Cực Lạc Thế Giới chẳng những nắm phần chắc chắn, mà phẩm vị của anh cũng rất cao. Vì sao thế? Vì tâm đã thật sự thanh tịnh rồi. Người này trong nhà Phật gọi là “Chân chánh tu hành”.
-HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG-