Kinh văn: Nếu gặp kẻ nấu, nướng, chém, chặt, hoặc đả thương sanh vật, thì dạy rõ quả báo phải luân hồi đền trả lẫn nhau.
Phía dưới nói về tạp nghiệp báo, phía trên những gì chúng ta nhìn thấy đều là ác nghiệp. Ðọc xong chúng ta cảm khái muôn vàn, đều đã từng tạo. “Thang hỏa” là gì? Lấy thịt chúng sanh đem nấu. Lúc xắt thịt thì dùng dao khứa từng miếng, “trảm chước”. Ngày nay chúng ta sát hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh, trong Kinh Đức Phật nói “Người chết làm dê, dê chết làm người”, tương lai chúng ta chết đi đọa vào nẻo súc sanh, chúng nó sanh làm người thì cũng sẽ chặt, chém chúng ta ra từng miếng mà ăn, quả báo luân hồi đền trả lẫn nhau. Ngày nay chúng ta ăn thịt nó, tương lai nó ăn thịt chúng ta, cứ đền trả lẫn nhau dây dưa chẳng dứt. Hiện nay tai nạn trên thế gian nhiều như vậy là vì nguyên nhân gì ? Sát nghiệp quá nặng. Không những các chúng sanh này ăn thịt, mà còn ăn sống nữa, bạn nói vậy thì làm sao được ! Hiện nay tại sao tai nạn xảy ra nhiều gấp mấy lần lúc trước ? Chúng ta bình tĩnh nghĩ thử xem, năm chục năm, sáu chục năm về trước, lúc kháng chiến và thời gian trước đó, đây là việc tôi đích thân trải qua. Lúc đó đời sống nhân dân rất khổ, ở thôn quê khoảng một tháng mới bán thịt một lần, đâu phải ngày nào cũng có thịt mà ăn ? Là việc chẳng thể nào có được. Cả mấy làng một tháng mới hợp lại làm thịt một con heo. Lúc làm thịt heo thì tìm một cây cao, trên cây để một cành tre, trên cành tre treo một miếng giấy vàng, mọi người nhìn thấy thì biết ngày hôm ấy có bán thịt ở đó, mới đi đến đó mua nửa cân, một cân thịt, mỗi tháng mới ăn thịt một lần. Chỉ có vào dịp tết thì mới có thịt ăn mỗi ngày, do đó con nít đều mong cho đến tết. Hiện nay thì mỗi ngày đều là tết, mỗi ngày đều ăn thịt, mỗi ngày đều sát sanh, tai nạn quả báo bèn lập tức hiện tiền. Chúng ta phải bình tĩnh mà quan sát, mà suy tư, thì sẽ tìm ra nguyên nhân thật sự. Thiên tai nhân họa xảy ra dồn dập không dứt, nhìn thấy mà ghê sợ, chẳng biết nguyên nhân, như vậy là ngu muội, vô tri.
Không tin lời Thánh nhân thế gian, xuất thế gian nói, chẳng đọc sách Thánh Hiền, chẳng tin lời Thánh Hiền nói, cho rằng tự mình thông minh trí huệ hơn người xưa, người xưa lạc hậu rồi. Trí huệ, thông minh của người hiện nay vượt trội hơn người xưa quá nhiều, người xưa đốt đèn dầu đâu có sáng bằng đèn điện hiện nay ? Người hiện nay thông minh hơn người xưa, họ nói rất hùng hồn, nghe rất có đạo lý, nhưng thật ra chẳng có đạo lý. Trí huệ thông minh của người xưa có thể phát triển kỹ thuật khoa học như ngày nay hay chăng ? Họ có khả năng này, có trí huệ này. Tại sao không làm ? Họ có đại đạo lý của họ. Nếu hai ngàn năm trước đã bắt đầu làm thì thế giới này đã sớm hủy diệt từ lâu rồi. Thế nên họ chẳng chịu phát triển, hy vọng người đời trụ ở thế gian lâu dài, an ổn, sống đời sống chân chánh của con người. Người hiện nay chẳng sống cuộc đời con người, mà là sống làm nô lệ cho cơ giới, khoa học, kỹ thuật, chứ đâu phải là sống đời con người ? Ý vị tình người chẳng còn nữa, ngay cả nằm mộng bạn cũng chẳng nghĩ ra. Chúng ta đọc sách cổ xưa, bạn hãy coi văn chương, tác phẩm văn học của người xưa, người thuở xưa sống trong tình thơ ý họa, đẹp đẽ biết bao! Ðời sống của con người hiện nay, sinh sống ở đâu ? Trong yêu ma quỷ quái. Tôi chẳng tiếp xúc, lâu lâu nhìn thấy những hình ảnh ca vũ trên ti vi đó là gì? Yêu ma quỷ quái. Âm thanh ấy giống như quỷ khóc, sói tru, họ sống cuộc đời như vậy. Họ đâu có hưởng thọ gì đâu, chúng tôi nhìn thấy rất tội nghiệp cho họ, hoàn toàn là điên cuồng, giống như hút ma túy, chích morphine nên trở thành như vậy, đâu có phải là hình dáng của con người nữa? Chẳng bình thường tí nào. Thế nên chúng ta nhất định phải cảnh giác, cảnh giác một cách cao độ.
Chúng ta làm việc trong nhà bếp, đọc tới câu này có thể nào chẳng kinh hồn hoảng vía ư ? Ðọc qua đoạn này trong Kinh Ðịa Tạng thì nhất định sẽ chẳng dám ăn thịt nữa, chẳng dám sát sanh nữa. Chúng ta học Phật, tuy là mình hiểu được đạo lý này, người nhà chẳng tin, họ vẫn còn muốn ăn thịt; mỗi ngày đều phải cắt xẻ cho họ, vẫn còn chặt thịt, vẫn phải nấu nướng cho họ thì phải làm sao? Tôi khuyên bạn, tốt nhất mỗi ngày niệm một cuốn Kinh Ðịa Tạng hồi hướng cho người nhà. Bạn có tâm chân thành, Tam Bảo gia trì, tương lai tâm niệm của họ sẽ từ từ chuyển đổi trở lại, chân thành có thể cảm động con người. Dùng tâm chân thành thay thế cả nhà, cả nhà đều là oán thân chủ nợ, tôi chẳng ăn nhưng phải làm thay cho họ, như vậy không phải là oán thân chủ nợ ư ? Thế nên bạn phải thay họ hồi hướng, sám hối, một ngày nào đó họ sẽ cảm động, họ sẽ quay lại. Nếu họ không thể quay lại, chẳng cảm động, đó là vì tâm chân thành của chúng ta chẳng đủ, sức lực của chúng ta chưa đạt đến mức, phải tự trách mình. Nhất định phải tìm thời gian để sám hối thay họ, lạy Ðịa Tạng Bồ Tát nhiều thêm, có thể lạy ba trăm lạy mỗi ngày, một ngàn lạy mỗi ngày, dùng tâm chí thành cầu sám hối thì mới tiêu nghiệp chướng. Hồi hướng công đức bạn tu được cho những chúng sanh ấy, hồi hướng gia trì cho họ, hy vọng họ sớm được sanh đến cõi lành. Việc hồi hướng thứ nhì hy vọng người nhà có thể tiêu trừ nghiệp chướng, khai trí huệ, dứt ác, tu thiện, vĩnh viễn chẳng ăn thịt chúng sanh. Như vậy bạn hành hạnh Bồ Tát ngay trong gia đình bạn, gia đình chính là đạo tràng của bạn. Ðộ chúng sanh thì độ người nhà trước, sau đó độ thân quyến, bạn bè, hàng xóm, bạn phải làm ra cho người ta thấy. Thế nên học Phật mà người nhà không được độ thì bạn chẳng có thành tựu gì hết, bạn thành tựu rất có hạn. Nếu bạn có thể cảm động người nhà của bạn thì sự học Phật của bạn mới kể là có một chút thành tựu, có một chút thành tích. Nếu người nhà của bạn không thể cảm động thì bạn chẳng có thành tích gì đáng nói.
Trích : Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký – Tập 14
Chủ Giảng : HT Thượng Tịnh Hạ Không.