Kinh văn: “Ðức Phật bảo Ngài Phổ Quảng: “Kinh này có ba danh hiệu: Một là Ðịa Tạng Bổn Nguyện, cũng gọi là Ðịa Tạng Bổn Hạnh, cũng gọi là Ðịa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh”.
Ngài Phổ Quảng hỏi tên kinh, Đức Thế Tôn nói ra ba tên, ngày nay chúng ta thấy tên kinh này là một trong ba tên nói trên. Ðây là lúc trước đại sư dịch kinh, lựa một tên trong ba tên do Đức Thế Tôn đặt ra, chọn “Địa Tạng Bổn Nguyện”, cho nên kinh này gọi là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. “Nguyện” nhất định phải có “Hạnh”, hết thảy “bổn hạnh” bao gồm trong “bổn nguyện”. “Hạnh” nhất định có “Thệ Lực”. “Thệ” mọi người đều biết, thệ nguyện của Địa Tạng Bồ Tát rộng lớn, sâu xa, thật sự xả mình vì người. Ngày nay chúng ta gọi là hy sinh, phụng sự, hiến dâng, xả mình vì người, Địa Tạng Bồ Tát là mô phạm hạng nhất, “Địa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật, độ tận chúng sanh mới thành Phật đạo”.
Chúng ta hỏi: Địa Tạng Bồ Tát có nguyện lớn như vậy, đáng được hết thảy chư Phật Như Lai tán thán, hết thảy chúng sanh kính ngưỡng, Quán Âm Bồ Tát có nguyện này không? Văn Thù Bồ Tát có nguyện này không? Phổ Quảng Bồ Tát trong kinh này có nguyện như vậy không? Từ nguyện này mà nói thì đều được gọi là Địa Tạng Bồ Tát, Phổ Quảng Bồ Tát cũng được gọi là Địa Tạng Bồ Tát, Quán Âm cũng gọi là Địa Tạng Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát cũng gọi là Địa Tạng Bồ Tát, nói từ nguyện này. Nếu xét về đại từ đại bi thì Địa Tạng Bồ Tát cũng gọi là Quán Âm Bồ Tát, hết thảy đều gọi là Quán Âm Bồ Tát. Muôn vàn xin đừng coi một vị Bồ Tát thành một người, nghĩ cứng ngắc như vậy thì bạn sai rồi! Tất cả hết thảy Bồ Tát đều là tiêu biểu pháp.
Cho nên bạn thành tựu cái gì? Tập hợp hết thảy thành tựu to lớn của Bồ Tát, hết thảy Bồ Tát tức là tôi, một người, như vậy mới đúng, tận hư không trọn khắp pháp giới là chính mình. Từ chuyện chúng ta hiếu thân tôn sư, từ nguyện hạnh này, tức là Ðịa Tạng Bồ Tát; xét về từ bi cứu đời thì bạn chính là Quán Thế Âm Bồ Tát; xét về cách dùng lý trí chẳng dùng cảm tình thì bạn chính là Văn Thù Bồ Tát; nói được làm được, lời nói và hành động đi đôi, đó chính là Phổ Hiền Bồ Tát. Tất cả hết thảy Bồ Tát là một người, chẳng phải rất nhiều người, phải hiểu đạo lý này.
Ngày nay chúng ta học Phật, học đến già cũng chẳng thể bước vào ngưỡng cửa (nhập môn), vậy là sai ở chỗ nào? Sai ở chỗ chúng ta phân chia các Bồ Tát riêng rẽ ra, vị này chẳng phải là vị kia, vị kia chẳng phải vị này, vậy thì hỏng rồi! Thế nên bạn chẳng thể bước vào cửa. Khi bạn thật sự hiểu được, hết thảy chư Phật là một vị Phật, hết thảy Bồ Tát là một vị Bồ Tát, kinh Hoa Nghiêm cũng nói với chúng ta “Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều chẳng phải hai”, đều là nói rõ về đạo lý này, đều nói về sự thật này, làm sao có thể chia ra được? Vừa chia ra thì rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; nếu chẳng đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn chẳng thể bước vào cửa. Nói thật ra, bạn coi kinh cũng không hiểu thì bạn làm sao đạt được sự lợi ích thù thắng của kinh giáo?
(Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyên kinh giảng ký)
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
(Nguồn fb: Liên Hoa Sanh)