Chúng ta biết tu hành là tu điều gì? Tu tâm! Hàng thượng thượng căn họ tu khi đang khởi tâm động niệm. Làm sao có thể khiến tâm mình khôi phục về chân thường – thường trú chân tâm. Chân thường là gì?
Chân thường là khi lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần mà không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Đây chính là tâm Phật, tâm của quả vị diệu giác.
Nếu chúng ta hiểu được để tu ngay ở đây, niệm Phật cầu sanh tịnh độ được sanh vào cõi thật báo trang nghiêm, chứ không phải cõi đồng cư, cũng không phải cõi phương tiện, thành Phật cũng rất nhanh! Đây là hàng thượng thượng căn.
Thượng trung căn không làm được như vậy. Khi lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, họ tu không phân biệt, không chấp trước, tu hai lĩnh vực này. Đức Phật thường dùng bốn chữ để tượng trưng là y chánh trang nghiêm. Nghịch cảnh thuận cảnh, thiện duyên ác duyên. Duyên là người, việc và hoàn cảnh. Người thiện hay ác đều dùng tâm thanh tịnh để nhìn họ, dùng tâm bình đẳng để đối đãi họ. Đây là Bồ Tát, mới thật là thiện nhân. Biết được giữa vũ trụ không có nhiễm tịnh, không có thiện ác, chúng ta liền trở về với thanh bình. Thanh là thanh tịnh, bình là bình đẳng. Tâm niệm Phật như thế được vãng sanh về cõi phương tiện hữu dư của thế giới Cực Lạc. Trong cuộc sống hằng ngày nên nuôi dưỡng thói quen tốt này, đây gọi là tu định. Tâm tuyệt đối không dao động theo cảnh giới bên ngoài, luôn giữ tâm thanh tịnh bình đẳng cho chính mình. Như vậy tánh đức tuy chưa hoàn toàn hiển lộ, những cũng có thể hiện ra một nửa, nên nhất định không đọa vào trong lục đạo, không vào ba đường ác, sẽ không bị đọa vào trong lục đạo. Nghĩa là không còn trở lại trong ác đạo. Niệm Phật sanh vào cõi phương tiện hữu dư ở thế giới tây phương Cực Lạc. Nên cần phải biết tu. Tu hành chơn chánh thì ở thế gian này, chỉ cần ta chế tâm một chỗ thì mọi việc sau đó không có gì không làm được. Liễu sanh tử, ra khỏi tam giới cũng không có gì là hy hữu, là chuyện thường gặp. Đây là thật không phải giả.
Thời nay chúng sanh khó độ. Độ có nghĩa là gì? Chúng ta dùng cách nói hiện nay chính là giúp đỡ, hiệp trợ. Chúng sanh hiện nay rất khó giúp họ, vì sao vậy? Vì họ không chấp nhận, không tin tưởng. Như vậy thì không còn cách nào khác. Họ tiếp nhận hoặc là tin tưởng mới có thể giúp được. Nên nói độ được người nào hay người đó. Không nên nghĩ rằng tôi đi giúp người khác, vì sao vậy? Vì chính mình chưa thành tựu, tự mình chưa thành tựu làm sao thành tựu người khác được!
Trong kinh Đức Phật nói rất hay. Tự mình chưa thành tựu mà muốn giúp người khác thành tựu, không có điều này, không có lý đó. Nhất định phải tự độ, sau đó mới thật có thể độ người.
Tâm phải định, không cần biết quá nhiều. Biết nhiều chính là chướng ngại. Biết ít chuyện thì phiền não cũng ít, quen nhiều người thì thị phi cũng nhiều. Không nên quen quá nhiều người, cũng không nên biết quá nhiều chuyện, không cần thiết. Thật tâm niệm Phật, mỗi ngày nghe kinh niệm Phật an lạc biết bao. Như vậy là đúng.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa.