Để giải quyết vấn đề xã hội, giải quyết vô lượng vô biên tai nạn… thì bạn phải bắt đầu mở rộng tâm thương yêu mình để thương yêu hết thảy chúng sanh; chúng ta phải làm một sự chuyển biến to lớn từ trong tâm địa!
Ngày nay giải quyết vấn đề xã hội, giải quyết vô lượng vô biên tai nạn do người tạo ra cũng vậy, tai nạn tự nhiên cũng vậy, đều phải làm một sự chuyển biến to lớn từ trong tâm, đó là nhất định phải thương yêu người đời, mở rộng tâm thương yêu mình để thương yêu hết thảy chúng sanh, được vậy thì hết thảy tai nạn đều tiêu trừ.
Chỉ biết mình, chẳng biết người khác, thậm chí làm những chuyện tổn người lợi mình, đây là lời người thế gian nói, người mê hoặc điên đảo nói. Người chân chánh minh bạch nhìn thấy cái gì? Tổn hại người nhất định sẽ chẳng lợi mình, chuyện tổn hại người sẽ tổn hại mình, chư vị phải biết như vậy. Cái gì mới thực sự là lợi mình? Lợi người mới thật sự là lợi mình, lợi ích xã hội mới thực sự lợi ích gia tộc của bạn. Người thế gian mê hoặc điên đảo chẳng biết đạo lý này, chẳng biết chân tướng sự thật, tại sao vậy? Vì cả xã hội, cả thế giới là những tế bào trong thân thể của mình, chỉ lo cho bộ phận này, không lo cho bộ phận kia thì bộ phận kia sẽ sanh bịnh. Bạn phải lo cho hết thảy, ăn uống, nơi chốn, cư trú, hấp thụ dinh dưỡng, mỗi bộ phận trong thân thể đều phải đạt đến. Cung cấp thức ăn không đồng đều thì sẽ sanh bịnh, có bộ phận hấp thụ dinh dưỡng rồi, còn bộ phận khác thiếu thì tứ đại sẽ chẳng điều hòa.
Dùng thí dụ này để nói cả thế giới cũng vậy, chỉ lo cho quốc gia của mình, chẳng màng đến quốc gia khác, kết quả khi quốc gia khác bị nạn, chúng ta cũng chịu liên lụy. Hiện nay mọi người từ từ thấy được sự thật này, nhưng vẫn chưa biết quay về, chưa biết nguyên nhân căn bản ở chỗ nào! Thế nên Phật pháp trước tiên mở rộng tâm lượng của chúng ta, ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’ , như vậy mới thật sự ‘quy y Chánh’; tự tánh vốn sẵn có chánh tri chánh kiến, y cứ cho hết thảy xử sự, đãi người, tiếp vật trong đời sống.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký, tập 4 / trang 49)
Kính mời chư vị đồng học đọc thêm tại: diatanggiangky