Đức Phật có trí huệ, có đức năng, nhìn một chúng sanh có thể nhìn thấy nhân duyên vô lượng kiếp về trước, chúng ta chẳng có khả năng này, do đó đức Phật nhiếp thọ chúng sanh dùng Tứ Nhiếp Pháp rất viên mãn. Pháp cuối cùng trong Tứ Nhiếp Pháp là Lợi Hành, Đồng Sự, đồng sự thì phải phóng khoáng, nếu chẳng phóng khoáng thì làm sao đồng sự với chúng sanh? Đây là trí huệ cao độ, thiền định thâm sâu. Ngài có thể thuận theo chúng sanh, từ trong đó dẫn dắt chúng sanh, làm cho họ giác ngộ, quay về, bỏ tà quy chánh, đoạn ác tu thiện, đức Phật có khả năng này. Nếu tự mình chẳng có trí huệ, chẳng có công phu mà muốn học làm theo như vậy thì rất khó chống chọi sự dụ hoặc của cảnh giới bên ngoài. Định Huệ của rất nhiều người chẳng đủ, bị cảnh giới bên ngoài dụ hoặc nên thoái chuyển, đến nỗi đánh mất đạo tâm, đều là như vậy. Từ thời đức Phật Thích Ca đến nay, mỗi thời đại đều có. Người xuất gia đọa lạc, hoàn tục, thật ra hoàn tục còn tốt hơn là đọa lạc, họ xả bỏ hình tướng của người xuất gia, hoàn tục làm người tu hành tại gia cũng tốt, cũng có thể thành tựu. Do đó, trong cửa Phật, xuất gia hoàn tục là một hiện tượng rất bình thường. Đấy cũng là một hiện tượng tốt, chúng ta chớ nên nhìn bằng ánh mắt khác lạ. [Nếu nhìn bằng ánh mắt khác lạ] như vậy, chúng ta sẽ có tội. Nhưng ngày nay những quốc gia Tiểu Thừa có cho xuất gia trong thời gian ngắn, ở Thái ngay cả vua cũng phải xuất gia ba tháng, sau ba tháng thì hoàn tục, đây là tiếp nhận sự giáo dục của Phật giáo, sống đời sống Phật giáo, tuyệt đối hữu ích, giúp cho xã hội [được tốt đẹp hơn].
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng.
PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 21-Tr – 499)