Do đó, người hiểu sâu nhân quả, chẳng dám làm chuyện phi pháp. Không chỉ chẳng dám làm, mà nghĩ cũng chẳng dám nghĩ! Vì vậy, đối với đạo hạnh và tu dưỡng của một cá nhân, nhân quả có sức mạnh vượt xa luân lý, đạo đức. Người tu dưỡng đạo đức khá, nhưng gặp phải những thứ gọi là “danh cao, lợi trọng”, vẫn chẳng thể chống nổi sự dụ dỗ, mê hoặc, vẫn có thể phạm lỗi! Chỉ có người tin sâu nhân quả, tuy thấy những thứ đó, tâm vừa động, nhưng nghĩ đến quả báo trong tương lai sẽ là như thế nào, bèn chẳng dám làm!
Trung Quốc từ xưa tới nay, xã hội ổn định vững bền mấy ngàn năm dựa vào gì? Điều chủ yếu nhất là dựa vào giáo dục nhân quả; ba nhà Nho, Thích, Đạo đều có giáo dục nhân quả. Trong xã hội, giảng nhân quả nhiều nhất, nói thật ra, Đạo gia còn giảng nhiều hơn Phật. Nhà Phật cũng giảng không ít, nhưng thường là khi giảng kinh chẳng chuyên nói về nhân quả, chỉ nói kèm theo. Do đó, giáo dục nhân quả phổ cập thì Đạo gia xếp hàng đầu. Quý vị thấy Đạo gia có Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, và Tâm Kinh của Lữ Tổ[1], những thứ ấy đều là của Đạo gia, lưu thông phổ biến trong xã hội. Tốt lắm! Chư vị đã đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, thiền sư Vân Cốc trao cho tiên sinh Liễu Phàm sách Công Quá Cách[2], đó là [tác phẩm được biên soạn dựa theo những giáo huấn trong] Cảm Ứng Thiên. Vì thế, tam giáo, tức tam giáo Nho, Thích, Đạo tại Trung Quốc, suốt mấy ngàn năm đã giúp đỡ quốc gia, giúp đỡ xã hội, xác thực là làm rất nhiều chuyện tốt đẹp, giúp cho xã hội an định và hòa hài. Nay chúng ta nếu muốn thành tựu đạo nghiệp của chính mình, ba căn bản ấy trọng yếu hơn bất cứ gì khác. Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên và Thập Thiện Nghiệp.
Chúng ta phải nghĩ, phải nhớ Ấn Quang đại sư lão nhân gia suốt đời đề xướng giáo dục nhân quả. Trong những kinh luận và thiện thư do Hoằng Hóa Xã lưu thông, số lượng lớn nhất là Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, và An Sĩ Toàn Thư. Thuở Ấn Quang đại sư sinh tiền, trong hoàn cảnh thuở ấy, kỹ thuật ấn loát chưa phát triển cho lắm, mà Ngài có thể in ba loại sách ấy nhiều hơn một trăm vạn bản, chẳng phải là chuyện dễ dàng! Vì sao Ngài phải làm như vậy? Nay chúng ta hiểu rõ, nhìn vào xã hội động loạn, thấy tai ương trên địa cầu nhiều ngần ấy, chúng ta mới nhớ tới Ấn Quang đại sư suốt đời cực lực tuyên dương giáo dục nhân quả, chúng ta mới hiểu rõ đạo lý ấy! Nay chúng ta muốn cứu chính mình, trong đại kiếp nạn như thế, tránh né bằng cách nào? Tin sâu nhân quả, quý vị có thể tránh khỏi tai nạn này. Tin sâu nhân quả, chẳng có mảy may hoài nghi, điều này rất trọng yếu!
Học theo Bồ Tát chứng vô vi, nhưng chẳng chấp trước vô vi. Nay chúng ta ngay cả chứng còn chưa chứng; chúng ta biết có pháp vô vi, cũng đừng nên chấp trước pháp vô vi. [Hễ chấp là] trật rồi, biến thành Tiểu Thừa. Nhất định phải học theo các vị Bồ Tát, tâm thường an trụ vững vàng nơi đạo độ thế, niệm niệm mong mỏi chánh pháp tồn tại lâu dài. Bắt đầu làm từ chỗ nào? Bắt đầu thực hiện từ chính mình, ắt phải y giáo phụng hành, chánh pháp mới có thể tồn tại lâu dài. Giúp xã hội hóa giải xung đột, giúp xã hội khôi phục hòa hài, đều phải làm từ chính mình, đừng đòi hỏi người khác, đó là đúng. Chính mình làm tốt, chắc chắn sẽ có thể ảnh hưởng những người chung quanh quý vị. Niệm niệm suy nghĩ vì chúng sanh khổ nạn, chính mình phải nêu gương cho người khác nhìn vào.
Chính mình chẳng nêu gương tốt, quý vị chẳng thể khuyến hóa chúng sanh. Người hiện thời nhất định phải nhìn thấy tấm gương tiêu biểu, quý vị tu tập rất khá, quý vị thực hiện rất tốt, người khác sẽ tôn kính quý vị, học tập theo. Quý vị nói được, nhưng làm chẳng ra gì, chẳng có ai tin tưởng, quý vị chẳng thể giúp cho chánh pháp tồn tại lâu dài. Nếu con người mang ý niệm vì chính mình thì tu hết thảy thiện pháp, quả báo đều là si phước trong lục đạo, chẳng phải là công đức, chẳng có mảy may dính líu đến chuyện liễu sanh tử, thoát tam giới của chính mình! Niệm niệm chẳng vì chính mình, niệm niệm vì chúng sanh khổ nạn, niệm niệm mong cứu vớt địa cầu, đó là công đức, toàn bộ hết thảy những việc thiện do quý vị đã làm đều là công đức. Chỉ cần có tự tư tự lợi, đặt danh lợi vào trong ấy, sẽ là chẳng đúng. Chớ nên không hiểu đạo lý này!
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 133)