Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Đây là phương pháp dưỡng sinh của chư Phật Bồ Tát

Làm sao để trẻ mãi không già, ít gặp nhiều bệnh tật? - HT-Tịnh Không
Mười mấy năm nay, tôi đã tham dự rất nhiều hội nghị quốc tế, những người tham dự hội nghị rất cung kính tôi, hầu như đều hỏi chung một vấn đề, là dùng phương pháp gì bảo dưỡng cơ thể. Tôi nói không có gì hết, tôi không ăn những thứ bổ, cuộc sống rất đơn giản, tôi ăn chay, và ăn rất ít. Bảo dưỡng cách nào đây? Tâm thanh tịnh! Tư tưởng của tôi rất đơn thuần, hàng ngày ngoài việc đọc kinh, đọc sách thánh hiền, những thứ khác tôi buông bỏ hết. Mấy chục năm rồi không xem ti vi, không nghe đài, không đọc báo, không xem tạp chí. Vì sao vậy? bởi những thứ đó là ma, tạo thành như một cái lưới vậy. Nó có năng lực chế tạo, tôi cũng có năng lực cự tuyệt, không bị nó dụ dỗ.
Hàng ngày chúng ta tiếp xúc với kinh điển đại thừa, làm bạn với chư Phật Bồ Tát, giao lưu với chư Phật Bồ Tát, tâm quí vị mới thanh tịnh được. Không dính mắc danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, vui biết bao, tự tại biết bao! Đây chính là phương pháp dưỡng sinh của tôi. Sau khi học Phật pháp rồi, kinh điển đại thừa là lý luận để y cứ, chỉ cần tâm hành, tương ưng với Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác là chính xác. Đây là phương pháp dưỡng sinh của chư Phật Bồ Tát. Giữ tâm như thế, sau đó thầy giáo hướng dẫn chúng ta nhìn thấu buông bỏ. Nhìn thấu là hiểu rõ, hiểu rõ tánh tướng lý sự nhân quả của vũ trụ vạn hữu, phải nhìn thấu. Sau khi hiểu rõ rồi đương nhiên phải buông bỏ, không để tâm dính mắc những thứ này. Ý niệm thiện trong thiện, tịnh trong tịnh, thuần trong thuần, chính là bốn chữ A Di Đà Phật, trong tâm luôn luôn có câu A Di Đà Phật, quí vị sẽ bình an, trong Phật pháp gọi là được độ, tôn giáo khác nói là được cứu rồi. Đây là sự thật không phải giả dối đâu.
Cho nên ý niệm làm chủ tất cả, ý niệm ở mình chứ không phải ở người khác, tự mình làm chủ chính mình, làm chủ tất cả, thân tâm khỏe mạnh, gia đình mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi, xã hội an định, thế giới hòa bình, hoàn toàn ở ý niệm của quí vị. Đây chính là “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh” mà trong kinh thường nói, trong kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm là chân tâm, tự tánh, biến pháp giới hư không giới đều do tự tánh biến hiện ra. Tự tánh của ai vậy? tự tánh của chính mình. Tự tánh của mình và tự tánh của người là một tự tánh, cũng đồng với tự tánh của chư Phật Như Lai, đồng với tự tánh y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới, đồng với tự tánh của hiện tượng tự nhiên sơn hà đại địa, cho nên nó thông suốt. Nếu quí vị thật sự kiến tánh thì sẽ thông hết, quí vị sẽ hiểu được vũ trụ và mình là một thể. Giác ngộ rồi quí vị chuyển cảnh giới chứ không còn bị cảnh giới chuyển nữa, như thế mới có thể được đại tự tại.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 54)
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *