Công phu thành phiến là giai đoạn đầu tiên của nhất tâm bất loạn. Nếu chúng ta đem nhất tâm bất loạn chia thành ba phẩm thì thượng phẩm là lý nhất tâm bất loạn, trung phẩm là sự nhất tâm bất loạn, hạ phẩm chính là công phu thành phiến.
Thế nào gọi là công phu thành phiến? Khởi tâm động niệm đều là A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra tuyệt đối không khởi vọng niệm nào khác, đây gọi là công phu thành phiến. Không phải là khi không niệm Phật thì chúng ta nghĩ tưởng lung tung, một mặt niệm Phật một mặt lại nghĩ tưởng lung tung, bạn có thể được nhất tâm bất loạn, có thể được công phu thành phiến được sao? Chính như người xưa đã nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”, ngày ngày muốn vãng sanh thì đó là vọng tưởng. Bạn thật sự có thể vãng sanh không? Không đủ điều kiện cho việc vãng sanh. Trong những điều kiện thì quan trọng nhất chính là hai câu nói sau, các vị xem thượng bối, trung bối, hạ bối cũng đều có hai câu “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Nhất” nghĩa là một phương hướng. Hiện tại ở thế gian này phương hướng của chúng ta quá nhiều, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần đều là phương hướng của chúng ta. Bạn làm thế nào có thể xả bỏ hết thảy các phương hướng khác, chuyên theo phương hướng niệm Phật thì bạn mới có thể đi được thông. Nếu bạn chuyên tâm vào một phương hướng này thì nhất định phải buông xả những phương hướng khác.
Trong Phật pháp, tôi nghĩ rất nhiều đồng học đều đã nghe qua lời cổ Đức thường nói “bát phong xuy bất động” (tám gió thổi chẳng động). Nếu dùng lời hiện tại mà nói thì “bát phong xuy bất động” là không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài nữa, công phu của bạn mới được gọi là thành phiến. Thuận cảnh thiện duyên, Phật pháp nói “cảnh” chính là hoàn cảnh vật chất, là hoàn cảnh bên ngoài; nói “duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta rất tốt, những người sống chung quen biết với chúng ta đều là người tốt, đều là người thiện, bạn do đây mà sanh tâm hoan hỷ, sanh tâm tham luyến thì bạn không thể vãng sanh. Bạn cảm thấy nơi này cũng không tệ, vẫn không muốn đi lắm thì công phu niệm Phật dù có tốt hơn, khoan nói đến nhất tâm, công phu thành phiến bạn cũng không đạt được. Nếu là nghịch cảnh ác duyên, hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta không tốt, trải qua cuộc sống rất khó khăn, người gặp được đều không tốt, đều có ý kiến trái nghịch với mình, rất khó chung sống hòa thuận. Trong hoàn cảnh như vậy con người thường sanh khởi việc oán trời trách người, luôn nghĩ ông trời thật bất công với ta, bên ngoài không ai mà không có lỗi với ta, tâm như vậy cũng không thể vãng sanh.
Cho nên thiện duyên ác duyên, thuận cảnh nghịch cảnh đều khiến cho bạn sanh tham sân si mạn, tâm của bạn bị lay chuyển theo cảnh giới bên ngoài, bạn không làm chủ được chính mình, tâm của bạn không thanh tịnh, tâm tịnh thì Phật Độ tịnh. Hiện tại phiền não bên trong chúng ta vô cùng nghiêm trọng, không phải là phiền não của một đời, mà là phiền não tập khí được tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp. Hoàn cảnh bên ngoài không tốt, đều là dụ hoặc bạn, bạn chỉ cần sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài đều khiến bạn sanh hỷ nộ ai lạc (mừng giận buồn vui), đều khiến bạn sanh tham sân si mạn. Tu hành trong hoàn cảnh như vậy mà có thể tu thành công, có thể vãng sanh thì bạn vô cùng giỏi. Lão sư Lý nói, pháp môn khác thì không cần phải nói, vì quá khó, chỉ nói pháp môn niệm Phật thôi, trong một vạn người niệm Phật chân thật lâm chung vãng sanh chỉ có 1-2 người mà thôi, là 1-2 phần vạn, 1-2 người đó là người có thể làm chủ được mình trong hoàn cảnh, cũng chính là nói họ tuyệt đối không bị hoàn cảnh bên ngoài lay chuyển, hạng người này có thể vãng sanh.
Vậy thì chúng ta phải tự hỏi chính mình, người khác tán thán ta, tâng bốc ta thì ta có sanh tâm hoan hỷ hay không? Người khác sỉ nhục ta, ức hiếp ta, hủy báng ta, hãm hại ta thì ta có tâm oán hận hay không? Nếu bạn có hoan hỷ, có oán hận thì tâm của bạn đã bị ô nhiễm, công phu thành phiến của bạn đã bị phá hỏng rồi, hay nói cách khác, bạn không thể vãng sanh.
(Trích lục từ bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ năm 1998 – tập 343 của Hòa Thượng Tịnh Không)