Kinh Pháp hoa rút gọn còn bốn chữ Diệu pháp Liên hoa. Phật giáo Tây Tạng triển khai bốn chữ này thành Om Ma Ni Pad Me Hum.
Muốn Diệu pháp Liên hoa, hay thần chú này có linh nghiệm đòi hỏi hành giả thực hành bốn chữ Diệu pháp Liên hoa. Diệu pháp Liên hoa nghĩa là trí tuệ là chính; trí tuệ được ví như viên ngọc và Liên hoa ví như hoa sen. Viên ngọc cũng ví cho tâm con người. Phật nói Phật, tâm và chúng sanh, cả ba là một. Vì vậy, trong chúng sanh cũng có Phật, có tâm và trong chư Phật cũng có tâm và chúng sanh. Cho nên, lấy tâm làm chính.
Nếu tâm trong sạch, sáng suốt gọi là Phật. Tâm chúng ta mê muội là chúng sanh. Lý giải như vậy, theo tinh thần Đại thừa, Phật và chúng sanh là một, không phải hai. Nhận thức cốt lõi này, hành giả Pháp hoa phát triển cho được viên ngọc quý nằm trong hoa sen.
Chúng ta đều biết hoa sen mọc từ bùn, không mọc từ hư không. Bùn ví cho thân tứ đại ngũ uẩn của chúng sanh là bùn nhơ tội lỗi. Trong nhơ bẩn có hai thứ là tâm nhơ bẩn gọi là phiền não và thân nhơ bẩn là nghiệp. Nghĩa là chúng sanh cấu tạo bằng nghiệp và phiền não. Có chỗ nói thân tứ đại của chúng ta là thùng phân biết đi, vì bên trong chứa toàn đồ ô uế. Nhưng nếu chúng ta biết đem Phật pháp vào thân tâm ô uế sẽ biến thân ô uế thành hoa sen là giới, đức, hay công đức trì giới.
Đối với các Tỳ kheo tu hành, ban đầu Phật cho bốn giới căn bản phải tuân thủ là sát, đạo, dâm, vọng. Phật tử tại gia cũng có bốn giới này. Do giữ giới, thân tâm được thanh tịnh lần, ví như hoa sen. Vì vậy, con người thì ai cũng như ai, nhưng người có giữ giới đã chuyển hóa thân ô uế trở thành trong sạch, thể hiện mẫu người đức hạnh được kính trọng.
Nếu sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói sai sự thật là con người tội lỗi không ai dám gần gũi, vì họ tới đâu, người ta cũng phải dè dặt, coi chừng họ trộm cắp, sát hại và họ ở trong chúng, nói gì cũng không ai tin. Đó là tội lỗi của người có thân tâm nhơ bẩn.
Tu hành, Phật dạy người xuất gia và người tại gia bốn giới căn bản này, phải cố gắng giữ trọn và giữ được bốn giới này sẽ được mọi người tôn trọng. Thật vậy, cũng là Phật tử, nhưng có người được chấp nhận, người không được chấp nhận; cũng là người xuất gia, nhưng có người được kính quý, có người bị xem thường vì không giữ giới.
Cần biết rằng có thọ giới hay không thọ giới, nhưng phạm bốn tội sát, đạo, dâm, vọng thì đều có tội như nhau. Có người nói rằng không thọ giới thì không có tội, nói như vậy là sai, vì bốn tội này là tánh tội, nếu phạm, phải tội.
Nhưng có thọ giới là có ý thức giữ giới, nên gần là được Thiên long Bát bộ hộ trì, bảo vệ chúng ta và chư Phật cũng hộ niệm chúng ta. Nhờ vậy, giới chúng ta được thanh tịnh thì bấy giờ Hộ pháp Long thiên mới gần gũi, tiếp cận chúng ta và Phật mới hộ niệm chúng ta, đó là bước thứ hai. Vì vậy, hơn nhau ở chỗ có giữ giới được Hộ pháp chư Thiên và Phật gia hộ.
Theo tôi, Hộ pháp Long thiên gia bị thì họ mách bảo chúng ta biết trước việc sẽ xảy ra. Thật vậy, qua kinh nghiệm tu hành gần 70 năm, tôi thoát được tai nạn nhờ Hộ pháp Long thiên mách bảo, vì do chúng ta giữ giới, thân tâm được thanh tịnh thì Long thiên mới tiếp cận chúng ta.
Chư Thiên cách chúng ta xa, vì tâm chúng ta nhơ bẩn, đã phạm bốn tội sát, đạo, dâm, vọng làm chúng ta trở thành cái đáng ghê sợ, chư Thiên không dám đến gần. Nhưng do thọ giới, giữ giới, tâm chúng ta thanh tịnh tác động cho thân chúng ta thanh tịnh theo. Tùy theo mức độ thanh tịnh mà chúng ta tiếp cận được chư Thiên, chư thần, họ mách bảo chúng ta được, vì họ tiếp cận chúng ta bằng tâm, gọi là thần giao cách cảm.
Thật vậy, người có tâm thanh tịnh dễ nhận ra thế giới chung quanh mình. Tâm không thanh tịnh, chúng ta bị mắc kẹt ngũ uẩn ngăn che, nên chư Thiên, chư thần, chư Bồ tát không gần chúng ta.
Do mức độ giữ giới của chúng ta giúp chúng ta tiếp cận chư Thiên, chư thần, chư Bồ tát, chư Phật, thì trở lại thực tế cuộc sống, người tốt cũng tìm đến ta. Có người thưa với tôi rằng con muốn tu, muốn làm tốt, nhưng xung quanh con toàn người xấu. Tôi bảo anh muốn tu, muốn làm người tốt, nhưng thực sự anh chưa là người tốt, làm sao người tốt đến; vì thiệt chúng ta ưa dựng chuyện, thường gian tham, sát hại, dâm dục, những tánh xấu này có khiến người ta sợ, không dám gần gũi.
Tổ Huệ Đăng làm cách mạng không thành công, mới trốn vào miền Nam tu, đến gặp Tổ Hải Hội. Tổ Hải Hội đắc đạo là do Tổ giữ giới, tâm Tổ thanh tịnh, nên nhìn thấy Huệ Đăng có tâm tốt, nhưng không ai gần gũi ông được, vì ông làm cách mạng, nên tâm ác ông có. Thử nghĩ nếu không thù hận thì làm sao làm cách mạng.
Theo tôi, người có tâm thù hận vì thấy bất công trong xã hội và muốn xóa bỏ bất công, đương nhiên họ phải đương đầu với nhiều thế lực thù nghịch. Vì họ thù nghịch, nên người phải thù nghịch lại là đúng rồi.
Tổ Hải Hội nói với Huệ Đăng rằng ông có căn lành, có trí tuệ, nhưng vì tâm thù hận lớn quá, nên chư Thiên, chư thần rất sợ, không dám gần ông. Tôi cho ông bộ kinh Pháp hoa , ông nên vô núi thọ trì để tìm nghĩa lý sâu xa của bộ kinh này mà quét sạch tâm thù hận, đó là tu giới.
Tổ Huệ Đăng ôm kinh Pháp hoa vào hang ông Hổ ở Bà Rịa, Vũng Tàu tu, dành tất cả thì giờ đọc kinh này. Chủ yếu của kinh Pháp hoa là giới, tức làm sao thân chúng ta phải trong sạch như hoa sen, ở trong bùn mà không nhiễm bùn. Ngày nay, quý vị tụng kinh mà không hiểu nghĩa lý thì chỉ là tu suông sẽ không đạt được kết quả tốt đẹp.
Ở trong hang núi tu, không tiếp cận người, tội lỗi không có điều kiện phát sinh. Thật vậy, phần lớn quý thầy đắc giới, giữ giới thanh tịnh, hầu hết thọ giới xong thì ẩn tu. Điển hình là Hòa thượng Quảng Đức, ngài nói với tôi rằng sau khi thọ Cụ túc giới, ngài lên núi nhập thất ba năm. Có thể hiểu một người tu có kết quả vì ở núi không tiếp cận ai, phiền não không phát sinh. Kinh nghiệm tôi thấy rõ điều này.
Một Tỳ kheo không tiếp cận cuộc đời và tu hành thì các ác nghiệp trong người không sanh ra, không phát khởi, nên muông thú có thể gần gũi họ. Tôi từng có thời gian ở núi Thị Vãi tu vào sáu mươi năm trước, tất cả loài chim, thú không sợ mình, vì mình không có ý sát hại, thù nghịch, nên nó thấy thương mình và mon men đến gần mình làm quen. Người ăn thịt chó, chó thấy họ là sủa hoài, vì nó có cảm giác người này sẽ giết nó. Mình muốn ăn nó, nó phải sợ mình chứ.
Do giữ giới thanh tịnh, tất cả các loài dã thú thân cận mình, dù chỉ mới giữ một giới không sát sanh và thực tế người hiền cũng muốn gần mình, họ không sợ. Khi ý niệm sát hại không còn, người dễ gần ta.
Thật vậy, Tổ Huệ Đăng nhập thất ba năm ở hang ông Hổ ra, thì tất cả mọi người tìm ngài để học đạo. Phần lớn chư Tăng tu ít chịu khổ chịu khó thực tập giáo pháp, nhưng muốn làm thầy, muốn thiên hạ theo mình, đó là sai lầm nghiêm trọng.
Tổ Huệ Đăng giữ giới thanh tịnh khiến các loài thú gần gũi, thương ngài và những người muốn học đạo cũng tìm ngài. Họ học ở ngài cách tu thế nào mà cảm hóa được loài dã thú và người thấy ngài được an lành. Họ theo Tổ Huệ Đăng, vì theo ngài, họ cảm thấy an lành.
Vì vậy, tôi soạn kinh Pháp hoa Bổn môn nói ý này rằng: “Ai gần người này, tâm cũng được an”, vì tâm người này thanh tịnh rồi, không còn ý sát hại, không muốn lấy của người. Sở dĩ người không muốn gần chúng ta, vì họ sợ chúng ta lấy của họ. Thực tế cho thấy có những thầy ôm sổ xin tiền cất chùa cả đời, nhưng cuối cùng không có chùa ở, không có cái am nhỏ trú thân.
Trong kinh Nguyên thủy, có câu chuyện kể ông thầy bị loài rồng quấy phá, ông mới xin Phật dạy cách giải quyết. Phật bảo rằng nếu rồng đến, ông chỉ xin hạt ngọc của nó là nó sợ liền, không dám đến phá nữa.
Ban đầu mọi người, mọi loài gần gũi chúng ta và bước thứ hai, Hộ pháp Long thiên, chư Bồ tát, chư Phật mới đến gia bị chúng ta. Phật nói tâm Tỳ kheo thanh tịnh hoàn toàn và trí tuệ sáng suốt là do giới thanh tịnh, nên trí tuệ phát sinh. Như vậy, người trì kinh Pháp hoa đã kết hợp được tâm thanh tịnh và trí tuệ. Nếu người trì kinh Pháp hoa không có giới thanh tịnh và trí tuệ cũng không phát sinh là giả, không phải trì kinh Pháp hoa đúng nghĩa.
Tôi nhớ mấy chục năm trước có thầy đến nói với tôi rằng ông đã tụng 100 bộ kinh Pháp hoa. Tôi nói vậy mà sao tôi thấy toàn thân toàn tâm thầy chưa có chữ nào của kinh Pháp hoa. Ông này nổi khùng lên, quả quyết rằng ông đã thực sự tụng 100 bộ kinh Pháp hoa mà. Thử nghĩ tụng 100 bộ kinh Pháp hoa mà lòng còn bực tức, còn cố chấp thì đã thực sự tụng Pháp hoa chưa. Ông lại giận dữ nói tiếp ông đã tụng kinh Pháp hoa, ai dám động tới ông, coi chừng chết!
Trì kinh Pháp hoa đúng thì tâm thanh tịnh và trí tuệ ngời sáng, Hộ pháp phải hộ trì. Còn trì kinh Pháp hoa, nhưng tâm không thanh tịnh và cũng không có trí tuệ, lại sân hận như ông kia thì…
Tâm thanh tịnh và huệ phát sinh là Phật. Còn tâm mới thanh tịnh, nhưng huệ chưa phát sinh là Tỳ kheo tu hành, thân tâm họ được thanh tịnh, nên không có phiền não tham sân si.
Dù thân tâm thanh tịnh, nhưng huệ chưa phát sinh, kinh Pháp hoa nói người này mới tu một phẩm của kinh Pháp hoa, tức kinh Vô lượng nghĩa nói về đạo đức. Để nhận biết đạo đức này thì lấy con mắt của thiên hạ mà đo lường sẽ biết mình có đạo đức hay không. Mọi người, mọi loài không sợ mình giết hại, lường gạt, trộm cắp là đạo đức của Tỳ kheo. Nhưng tập quán nhiều đời của chúng ta là nghiệp thì đời này không sát sanh, nhưng túc nghiệp chúng ta còn, nên các loài sợ chúng ta.
Ý này trong kinh ghi rằng con chim bay tới gần ngài Xá Lợi Phất, nó dừng lại và vội bay đến Phật. Phật nói Xá Lợi Phất trong đời này không sát sanh vì đi tu rồi, nhưng túc nghiệp của ông còn. Ở xa, con chim thấy ông, nghĩ ông không hại nó, nhưng đến gần nó cảm nhận được nghiệp sát khiến nó sợ.
Hòa thượng Trí Thủ nói Tỳ kheo giữ giới, nhìn xa thấy đẹp, vì Tỳ kheo có chánh niệm, chánh định, nên dáng đi nhẹ nhàng, đi mà như không đi. Trong giới luật có dạy rằng Tỳ kheo không được vừa đi vừa nhảy, đó là giới nhỏ nhất cũng không phạm.
Thân tâm Tỳ kheo thanh tịnh, nên từ xa thấy dáng đi của họ đẹp, nhưng quan trọng tới gần phải thấy đẹp hơn. Vì những nghiệp vi tế còn, nên phải giữ đủ 3.000 oai nghi mới trọn vẹn thanh tịnh.
Trong Thập tam Tăng tàng, quan trọng là việc quan hệ của chư Tăng. Thí dụ các Tỳ kheo trẻ muốn cất chùa phải đọc kỹ điều này. Muốn cất chùa thì sao. Hòa thượng Thiện Hòa nói đó là chỗ ở của nhiều người phải hợp pháp, không chướng ngại.
Chùa này trước kia nằm trong Quân khu 7. Nhưng khi tôi làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, ông Nguyễn Minh Triết mời tôi đến giao chùa Phổ Quang, chính quyền cấp sổ đỏ là đất này hợp pháp, mới không trở ngại. Nếu cất chùa không hợp pháp sẽ bị tháo gỡ.
Đường vô chùa này, người buôn bán tràn lan, nay được dọn sạch, là quý vị tu có kết quả, Hộ pháp Long thiên quan tâm, giải quyết cho cảnh chùa được thanh tịnh. Trong khi trước kia, bằng đủ cách dẹp hoài cũng không được. Nay cố gắng tu, có giới, có đức, gần nhất là chính quyền ủng hộ chúng ta thì chắc chắn Hộ pháp Long thiên gia bị.
Tỳ kheo thanh tịnh tiếp cận được chư Thiên. Khi chúng ta ngồi yên, tâm thanh tịnh mới có giao thoa với thế lực vô hình, mới nghe được chư Thiên bằng tâm thanh tịnh, gọi là lục căn hỗ dụng, nghĩa là dùng tâm để thấy nghe, không dùng mắt, tai thấy nghe. Điều này được diễn tả là người mù thấy được, người điếc nghe được.
Người tu bế quan, ngồi yên để không thấy bằng mắt, nghe bằng tai, thoát ra sự chi phối của lục trần. Đóng kín sáu giác quan, nghe bằng tâm, nhưng tâm còn dao động thì tất cả những gì đã lưu giữ trong A lại da thức hiện ra. Nhưng khi tâm thanh tịnh, vượt qua sự chi phối của Thức, ta nghe được chư Thiên, thấy cảnh giới của chư Thiên là chứng Thiên nhãn thông dùng tâm thấy cõi Trời, thấy Cực lạc. Bấy giờ theo kinh Pháp hoa, A Nan nói rằng không nghe mà nghe.
Thật vậy, ban đầu, Tỳ kheo đọc kinh, nghe thông thường; nhưng Tỳ kheo vào định, vượt lên trên là không nghe mà nghe, tức không nghe Phật nói pháp, nhưng vào định, tâm thanh tịnh, nghe được pháp âm Phật là không nghe mà nghe.
Trên bước đường tu, từng bước đi vào định, chứng được Thiên nhĩ thông, thì ta ở thế giới này, nhưng nghe được Phật thuyết pháp, nghe được chư Phật mười phương, nghe được Phật Oai Âm Vương… Thật vậy, Phật nói trong kinh Pháp hoa vào kiếp quá khứ, Ngài tu đạo Bồ tát tên Thường Bất Khinh, khi nghiệp hết, Ngài nghe được 200 muôn ức bài kệ của Phật Oai Âm Vương.
Không nghe ngôn ngữ, nhưng nghe pháp âm Phật là tâm chúng ta thanh tịnh, bước qua phẩm thứ 2 của kinh Vô lượng nghĩa là trí tuệ. Do giữ giới thanh tịnh, trí tuệ sanh, thấy chư Thiên mới là cái thấy thật. Và quan trọng hơn, thấy nhân duyên giữa mình và người trong nhiều kiếp.
Thực tế cho thấy lý này. Một vị Thiền sư đắc đạo biết sẽ có người đến đòi nợ. Ngài đang Thiền, tên cướp vác dao đến định giết ngài. Ngài bảo hắn rằng ta thiếu ngươi vàng, không thiếu mạng và ngài ném túi vàng cho hắn, hắn liền lấy vàng rồi bỏ đi. Như vậy là ngài đã biết rõ túc nghiệp của ngài và giải quyết một cách nhẹ nhàng. Trong khi người khác chê bai ngài là người tu mà còn giữ vàng.
Hay trường hợp ngài An Thế Cao biết mình thiếu mạng người ở Trung Hoa. Ngài liền đi sang nước này. Có người thấy ngài quấn y lạ, tưởng là yêu quái, nên chém ngài. Ngài thấy đúng nhân duyên như vậy nên đã trả nợ mạng.
Trên bước đường tu, quán nhân duyên và thấy nhân duyên, ta biết được nhiều việc mà bình thường không thể biết. Còn không thấy nhân duyên thì ấm ức, nói mình giúp nó, nhưng tại sao nó phản, hại mình. Bị như vậy, phải trở về tu giới trở lại để huệ sanh mới thấy đúng.
Có Hòa thượng nuôi ông đạo học giỏi, nhưng hoàn tục khiến Hòa thượng buồn, khóc. Tôi nói ông đạo mà Hòa thượng nuôi để mong ông ấy trở thành Sa môn trụ trì trong tương lai; nhưng điều quan trọng, Hòa thượng phải quán nhân duyên của ông này với đời sống tu hành và nhân duyên của ông với thế tục. Người hảo tâm xuất gia quyết tu đắc đạo, nhưng trường hợp của ông này không phải như vậy, thì nghiệp nào nặng, nghiệp đó kéo. Ông này phải như vậy là phải hoàn tục mới đúng chứ.
Đọc lại lịch sử, Lý Khánh Vân nuôi Lý Công Uẩn, nhưng dạy không được, vì ông quậy phá, nên nói ông này khó dạy. Vạn Hạnh đắc đạo, thấy biết ông này sẽ làm vua, không thể làm sư. Ngài mới bảo sư huynh để ngài dạy ông cách làm vua. Và quả đúng như vậy, về sau ông trở thành vua Lý Thái Tổ. Vạn Hạnh Thiền sư đã thấy rõ lý nhân duyên.
Tu hành, do giới sanh huệ mới thấy nhân duyên là thấy pháp thì chúng ta ở trong pháp tu mới được an lạc, giải thoát. Không thấy pháp, không trụ pháp, luôn bị phiền não quấy rầy. Trụ pháp, tùy duyên giáo hóa là giai đoạn ba, Phật xuất hiện trên cuộc đời làm lợi ích cho chúng hữu tình.
Còn chúng ta chỉ ở giai đoạn hai. Người ta nói các thầy xuất gia không làm gì, khất thực rồi ngủ. Nhưng chính yếu của chúng ta không làm gì, ngồi yên để tâm thanh tịnh lần để quán sát, đắc đạo thì mới hành Bồ tát đạo, mới qua giai đoạn ba của Vô lượng nghĩa là làm lợi ích cho chư Thiên và loài người.
Vì vậy, khi Phật giáo hóa năm anh em Kiền Trần Như, chỉ có Kiều Trần Như đắc La Hán là huệ sanh, thì Phật và Kiều Trần Như đi khất thực, bốn ông kia không làm gì, ở tịnh xá tu, ngồi yên suy nghĩ Thiền Tứ niệm xứ để đắc Thánh quả.
Giai đoạn đầu không làm gì, chuyên tu và đắc La Hán rồi phát tâm hành Bồ tát đạo. Nhưng thành tựu quả vị La Hán mà không tin Pháp hoa nghĩa là không phát tâm tu Bồ tát hạnh thì đó là tăng thượng mạn, không phải La Hán thật.
Vì không thấy nhân duyên không thể giáo hóa chúng sanh được. Nhưng thấy nhân duyên mà không độ người là mất tâm từ bi. Vì vậy, đối với người đáng độ, Phật mới độ. Với người không đáng độ mà gần gũi, cảm hóa họ, chẳng những không được, còn bị thọ quả báo.