1. Thời đại bây giờ, chúng ta lợi dụng internet, lợi dụng vệ tinh để làm tăng thượng duyên. Rất nhiều nơi xa xôi, các khu vực khác trên trái đất tuy không cùng một chỗ, nhưng họ có thể xem được trên kênh truyền hình Phật Pháp, có thể xem được Phật Pháp trên internet, đó là có duyên. Có kiên nhẫn xem, đó là duyên. Băng đĩa (hoặc máy MP3) Phật Pháp cũng là duyên, sách vở Phật Pháp cũng là duyên, in ấn một số lượng lớn, phát tán một số lượng lớn. Độ được một người thành Phật, là đã thành công rồi.
Lưu Tố Vân là thấy được một bộ băng đĩa Phật Pháp, bộ băng đĩa đó đã giúp bà thành tựu. Duyên rất quan trọng, nếu không có duyên, suốt đời cũng không gặp được, điều đó rất đáng tiếc. Hiện đời là người thiện, là người thật thà, là người tốt bụng, thì tương lai được sanh lên cõi trời. Chưa đoạn được dục, thì sanh vào trời Dục giới. Đoạn được tình ái rồi, mới vượt thoát được Dục giới, nhưng chưa thoát được luân hồi. Vượt qua Dục giới là trời Sắc giới, lên cao nữa là trời Vô sắc giới. Cho nên muốn giải quyết là nhất định phải gặp được Phật Pháp, mới có thể kết thúc vấn đề này. Chúng ta không kết thúc được, khó quá! Quý vị thấy, đời sau chuyển sang kiếp khác, chuyển kiếp là không bằng kiếp này rồi, ngày càng sa sút.
Con người thời nay, niệm ác nhiều, niệm thiện ít, lời ác nhiều, lời thiện ít. Khẩu nghiệp rất đáng sợ. Vì sao công đức tu hành của chúng ta không còn nữa? Vì từ khẩu nghiệp chảy ra, khẩu nghiệp chảy ra, chảy đi mất rồi. Cho nên trong kinh Vô Lượng Thọ (Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh), đức Phật dạy chúng ta khéo phòng hộ ba nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp). Thứ nhất là dạy chúng ta “khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi người khác”, khuyên chúng ta không nên đi phê bình lỗi của người khác. Phê bình người khác thì ai là người thiệt thòi? Là bản thân mình thiệt thòi. Trong những buổi giảng chúng tôi thường nói rằng, nếu chúng ta phê bình người khác, người khác bị tổn thương ba phần, còn bản thân mình lại tổn thương bảy phần, không đáng!
Chư Phật Bồ Tát khuyên chúng ta “xưng tán Như Lai”, người khác có điểm tốt mình xưng tán. Người khác có chỗ xấu, không để trong tâm, không đặt nơi miệng, là đúng rồi. Cho nên muốn thành tựu trong đời này, thì niệm niệm đều ở trong đạo. Một niệm lơ là, sẽ tạo thành một đời đáng tiếc.
2. Lưu Tố Vân ở Hắc Long Giang là người đã thật sự làm, bà cũng không phải buông bỏ một lúc, mà phải 10 năm, buông bỏ (buông xả tất cả trong tâm) trong 10 năm thì bà thành tựu. Bà làm gương cho chúng ta, bảo với mọi người rằng, ai ai cũng có thể làm được việc này. Có người hỏi về bí quyết thành công của bà, bà nói bí quyết thành công của mình là 6 chữ: thật thà, vâng lời và thực hành. Thật thà tức là rất ngốc nghếch, hạng người này rất dễ thành tựu. Chúng ta nói trí óc của họ đơn giản, ít vọng niệm. Sự thật thà này là biết vâng lời. Trong kinh Phật có hai câu mà bà nghe hiểu được đó là: “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, bà hiểu được liền thực hành theo. Nghe một bộ Vô Lượng Thọ kinh, niệm một câu danh hiệu Phật, không chút tạp, không chút loạn, 10 năm như vậy. Bà nói với tôi rằng bà nghe kinh, nghe băng giảng của tôi, một ngày nghe một đĩa. Bộ đĩa này hình như là tôi giảng vào năm 1990, lúc đó Phật tử Hàn còn sống, giảng tại thư viện Cảnh Mỹ ở Đài Bắc. Mỗi ngày bà nghe một đĩa, một đĩa như vậy là một tiếng đồng hồ. Đĩa này nghe đi nghe lại 10 lần, đó là trường thời huân tu. Mỗi ngày nghe 10 tiếng, 10 tiếng tức là nghe lại 10 lần một tiếng như vậy. Đây gọi là trường thời huân tu, bà hiểu được điều này. Nghe xong một bộ kinh, thì nghe lại từ đầu. Cứ như vậy trong 10 năm, mỗi ngày nghe kinh 10 tiếng đồng hồ. Ngoài việc nghe kinh ra, là niệm Phật A Di Đà. Bà đạt được niệm Phật Tam Muội (Thiền Định), bà đã khai ngộ, không phải đại triệt đại ngộ, nhưng cũng là đại ngộ. Bà đã làm được, mọi người cũng làm được, chỉ là chúng ta không chịu làm mà thôi.
3. Đem những tạp niệm đổi sang niệm Phật, khiến cho việc niệm Phật trở thành một thói quen, mọi lúc mọi nơi khởi tâm động niệm là A Di Đà Phật, đem nó huân tập thành tập khí (thói quen) như vậy. Ngoài Phật A Di Đà ra, không có tạp niệm, thì sự vãng sanh Cực Lạc của quý vị chắc chắn thành công. Nhất định phải biết, khởi ý niệm gì cũng là nghiệp luân hồi, có ý nghĩa gì đâu! Nên đem tất cả ý niệm, đổi thành Phật A Di Đà, “thiện căn kiên cố” là tốt rồi. Đến khi mạng chung thì tình hình một niệm, 10 niệm vãng sanh này, chúng ta hiểu là được rồi, đừng giữ lại trong tâm làm gì, nên nỗ lực niệm Phật, tiêu trừ nghiệp chướng của mình. Niệm Phật A Di Đà là tiêu trừ nghiệp chướng. Không niệm Phật A Di Đà là tăng trưởng nghiệp chướng. Đạo lý này, sự thật này chẳng thể không biết được.
(Pháp Sư Tịnh Không)