Con đường của pháp môn niệm Phật là “Đạo cộng Giới”, hết thảy giới luật đều viên mãn đầy đủ. Bạn không phạm giới, không phá giới là “Đạo cộng Giới”. Đắc thiền định là “Định cộng Giới”. Định cộng Giới không bằng Đạo cộng Giới, trong đạo cộng Giới không bằng “Niệm Phật cụ túc viên mãn giới luật”, “thanh tịnh giới luật”.
Đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh với A Di Đà Phật vậy mới là đại viên mãn thật sự. Thế nên trong pháp môn này, Phật dạy chúng ta “chí tâm xưng danh, niệm tụng”; niệm tụng tức là đọc tụng Đại Thừa. Trong việc đọc tụng kinh điển Đại Thừa thì lấy kinh “Vô Lượng Thọ” làm đệ nhất, lúc giảng giải tôi đã phân tích với mọi người rồi. Chúng tôi không có khả năng phân tích như vậy, mà chính là cổ đại đức thời Tùy, Đường nói cho chúng ta biết “Hết thảy kinh đến sau cùng đều quy về “kinh Hoa Nghiêm”, “kinh Hoa Nghiêm” quy về “kinh Vô Lượng Thọ”, “kinh Vô Lượng Thọ” quy về bốn mươi tám nguyện, bốn mươi tám nguyện quy về nguyện thứ mười tám”.
Hiện nay có người đề xướng Bổn Nguyện Niệm Phật, trong Bổn Nguyện đặc biệt chú trọng nguyện thứ mười tám. Hoàn toàn y theo nguyện thứ mười tám niệm Phật, có thể vãng sanh hay không? Nếu thật sự y theo thì quyết định được sanh! Nếu chỉ đề xướng lâm chung mười niệm, một niệm cũng có thể vãng sanh, lúc bình thường có thể không cần giữ giới luật, có thể làm chuyện hồ đồ sai trái, có thể tạo tác tội nghiệp, đến lúc lâm chung niệm Phật vẫn có thể vãng sanh, lời này nói không sai, nhưng lúc lâm chung bạn có nắm chắc niệm Phật được hay không?
Bạn hãy quan sát kỹ càng phần đông những người lâm chung đầu óc có thể tỉnh táo hay không? Nếu lúc lâm chung hồ đồ, mê man, người khác giúp họ niệm thì họ cũng không chịu nghe. Lúc lâm chung nghiệp chướng hiện tiền, Phật hiệu nghe không lọt vào tai, thậm chí nghe Phật hiệu liền sanh phiền não. Tôi đã đích thân chứng kiến hạng người này, niệm Phật suốt cả đời nhưng đến lúc lâm chung không chịu niệm Phật, tham sống sợ chết, không thể buông xuống. Bổn nguyện như đã nói đó không sai, nhưng nói trên sự tướng thì khó, khó vô cùng! Đó là thiện căn phước đức nhân duyên như thế nào, chúng ta phải hiểu rõ ràng.
Cổ đại đức đúng là từ bi đến cùng cực, phân tích cho chúng ta rất rõ ràng, rất tường tận, khuyên chúng ta đừng có giữ tâm niệm cầu may, nhất định phải “chân đạp thật địa”, hết lòng nỗ lực tu học, lúc lâm chung mới nắm chắc. Người cầu may đến sau cùng nhất định sẽ thất vọng. Thế nên đề xướng Bổn Nguyện, xả bỏ giới hạnh, đây là đi con đường nguy hiểm. Những luận điệu này bề ngoài hình như cũng có đạo lý, trong kinh Phật có nói như vậy, nhưng nếu bạn phân tích cặn kẽ thì không có đạo lý, họ đều là giải thích sai ý nghĩa của Phật, giải thích méo mó rồi, do đó “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” đâu có chuyện dễ dàng như vậy!
Năm xưa lúc Thế Tôn còn tại thế, kinh Vô Lượng Thọ khẳng định là đã được giảng nhiều lần, mỗi lần tuyên giảng pháp môn này thính chúng đều khác nhau. Trong kinh có ghi Thường Tùy Chúng là bao nhiêu đó người, ngoại trừ những vị Thường Tùy Chúng ra, phần đông những người còn lại [trong mỗi lần giảng đều] không giống nhau. Thế nên đức Phật đối với việc giới thiệu Tịnh Tông, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng có tường tận, giản lược khác nhau, cho nên sau này kết tập kinh điển, nội dung kinh điển khác biệt rất lớn.
Rõ ràng nhất là bốn mươi tám nguyện trong năm bản dịch gốc, có kinh thì ghi hai mươi bốn nguyện, có những kinh thì ghi bốn mươi tám nguyện, còn có kinh thì ghi ba mươi sáu nguyện, đây là sự khác biệt rõ ràng nhất. Nếu như đức Phật chỉ giảng một lần, bất luận người dịch kinh là ai, con số này nhất định phải giống nhau, không thể nào có sự khác biệt lớn như vậy, từ chỗ này chứng minh được là Phật đã giảng kinh này nhiều lần. Chúng ta đối với Tây Phương Cực Lạc Thế Giới,muốn nhận thức sáng tỏ, viên mãn thì nhất định phải đọc hết tất cả những lần giới thiệu của Phật.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 01)