Ăn thịt trong hiện thời sẽ rất dễ có nguy cơ nhiễm bệnh, không chỉ những động nuôi mà ngay cả những con vật sống hoang dã, thú hoang đều mang theo rất nhiều virus. Trong xã hội hiện nay, chuyện này đúng là đại sự hàng đầu!
Đệ tử đức Phật chọn lựa ăn chay, vì sao? Trong kinh, đức Thế Tôn đã dạy, Bồ Tát từ bi, chẳng nỡ ăn thịt chúng sanh. Lương Vũ Đế đọc [đoạn kinh ấy], bèn thực hiện từ chính mình. Vì thế, phong trào ăn chay là do Lương Vũ Đế đề xướng. Thuở đức Phật tại thế, [tăng đoàn] đi khất thực từng nhà. Khất thức nhất định là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, người ta cho gì ăn nấy, chẳng thể kén chọn! Vì thế, mãi cho đến hiện thời, quý vị thấy Tiểu Thừa tại Thái, Miến Điện, Sri Lanka, các vị Tiểu Thừa vẫn đi khất thực, người ta cho gì ăn nấy. Vì thế, họ không ăn chay, đấy là gì? Phương tiện. Muốn người ta phải đặc biệt chuẩn bị đồ chay cho quý vị, sẽ là làm khó người khác, chuyện ấy chớ nên! Vì thế, Phật giáo truyền sang Trung Hoa cũng là ăn tam tịnh nhục. Đến Trung Hoa, chẳng cần khất thực, luôn tiếp nhận sự cúng dường của hàng đế vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, chẳng cần đi khất thực, nhưng vẫn là ăn thịt, còn chưa ăn chay! Lương Vũ Đế đề xướng ăn chay; vì thế, người học Phật ăn chay trên khắp thế giới chỉ có Trung Hoa, trong những quốc gia khác đều không có. Đấy là một chuyện tốt đẹp, thật sự là một chuyện tốt đẹp.
Hơn nữa, ăn thịt trong hiện thời [sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh] vì những loài súc sanh, không chỉ là những con vật ta nuôi trong nhà, hiện thời ngay cả những con vật sống hoang dã, hoặc thú hoang, đều mang theo rất nhiều virus. Vì sao? Hoàn cảnh trên toàn thể địa cầu bị ô nhiễm. Những con vật được nuôi trong nhà lại càng chẳng cần phải nói nữa, hoàn toàn dùng thức ăn chứa chất hóa học. Những thứ thức ăn ấy độc hại nhất, làm sao dám ăn cho được? Quý vị ăn vào, lẽ đâu chẳng ngã bệnh? Vì thế, bảo vệ môi trường thì mọi người trên cả thế giới đều biết, có ý thức bảo vệ môi trường, nhưng chẳng thật sự có cách nào thực hiện chuyện bảo vệ môi trường. Chuyện này cũng cần phải do mỗi cá nhân giác ngộ, phải làm từ chính mình. Đầu tiên là phải làm sao cho tâm lý khỏe mạnh, sau đấy mới có thể ảnh hưởng tới hoàn cảnh bên ngoài. Nay thân tâm của chúng ta chẳng khỏe mạnh, bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hoàn cảnh bên ngoài cũng là ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong xã hội hiện nay, chuyện này đúng là đại sự hàng đầu! Nếu chẳng thể cải thiện, hoàn cảnh trên địa cầu còn có thể thích hợp cho con người tiếp tục cư trụ tại nơi đây hay không sẽ là một vấn đề to lớn. Đến mức chẳng thích hợp cho nhân loại cư trụ, nhân loại trên quả địa cầu này sẽ bị hủy diệt, tuyệt diệt. Ai tạo ra? Do chính con người tạo ra, chẳng thể là do tai họa thiên nhiên. Kinh Phật đã nói rất hay, do nghiệp cảm của chúng sanh. Quý vị tạo tác nghiệp bất thiện, sẽ cảm vời loại quả báo ấy, quý vị nói xem, có đáng sợ lắm hay không! Chúng ta chớ nên không biết điều này, chớ nên không sửa đổi từ chính bản thân mình! Sự sửa đổi ấy chính là đoạn hết thảy các nghiệp bất thiện, chẳng còn tạo ác nữa! Phải đoạn mười ác nghiệp, phải tu mười thiện nghiệp. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đại sư nói “mười ác, tám tà”, lại còn đối với hết thảy các thứ tập khí không tốt đẹp, nhất định phải nghiêm túc sửa đổi. Sửa đổi hằng ngày, thời thời khắc khắc đề cao lòng cảnh giác của chính mình, hằng ngày phản tỉnh, hằng ngày sửa chữa, thường xuyên nghĩ tới ân đức của Phật, Bồ Tát.
(Trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Phẩm thứ 11: Tịnh Hạnh Phẩm, tập 1547)