Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Chúng ta thật sự làm, cớ sao làm chẳng giống, chẳng xuất hiện thành quả, do nguyên nhân nào?

Phát tâm Bồ đề
Chúng ta xem đoạn tiếp theo. Trong đoạn Tông Thú này, lão cư sĩ cũng nói rất nhiều, phân lượng rất lớn. “Hựu Quán Kinh vân, dục sanh bỉ quốc giả, đương tu tam phước” (lại nữa, Quán Kinh nói: “Muốn sanh về cõi ấy, hãy nên tu ba thứ phước”). Đối với phần [kinh văn] trích dẫn ở chỗ này, do cụ đang giảng về phát Bồ Đề tâm, nên chỉ trích dẫn điều thứ ba: “Tam giả, phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả” (ba là phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến khích hành giả). Phía trước còn có hai điều, ở đây, chúng tôi tiện dịp nói luôn: “Nhất giả, hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp” (một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp). Quý vị phải biết điều đầu tiên là gì? Là căn bản, cơ sở của Bồ Đề tâm. Không có điều thứ nhất, sẽ chẳng có điều thứ hai; không có điều thứ hai, sẽ không có điều thứ ba. Nay chúng ta nói tới phát Bồ Đề tâm, chúng ta thật sự làm, cớ sao làm chẳng giống, chẳng xuất hiện thành quả, do nguyên nhân nào? Thiếu căn bản, bỏ sót cơ sở. Nhiều kẻ xuất gia đến trao đổi với tôi, họ bàn gì tôi cũng chẳng nói năng gì hết. Vun bồi căn bản rất khẩn yếu, nhưng họ trọn chẳng nghĩ đến căn bản, làm sao quý vị có thể thành tựu được?
Căn bản chính là bốn câu ấy, có thể làm được bốn câu trong điều thứ nhất này hay không? Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, có thể làm được hay không? Thực hiện hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng bằng Đệ Tử Quy. Khi mọi điều trong Đệ Tử Quy đều làm được, quý vị sẽ có căn bản này! Căn bản ấy cạn hay sâu, mạnh hay yếu, trong ấy còn có rất nhiều mức độ! Từ tâm chẳng giết là giáo dục nhân quả. Tu Thập Thiện Nghiệp là căn bản của Phật pháp. Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật đã giảng rất rõ ràng về pháp nhân thiên; đời sau quý vị biết dùng thân người ra sao, sanh lên trời như thế nào. Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, cho đến Vô Thượng Bồ Đề, đều lấy Thập Thiện làm căn bản. Tách rời Thập Thiện, đời sau quý vị sẽ chẳng được làm thân người, đừng mong tiến lên cao! Tiến lên thiên đạo, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật đều đừng mong tưởng, vì ngay cả thân người mà quý vị còn chưa đạt được! Thật đấy, chẳng giả đâu! Do vậy, tại Trung Quốc, văn hóa truyền thống của Trung Quốc là Nho, Thích, Đạo ba nhà, thiếu một cũng không được! Ba cội rễ của Nho, Thích, Đạo ở ngay trong câu này. Căn bản của Nho gia là Đệ Tử Quy, căn bản của Đạo gia là Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, căn bản của Phật pháp là kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo; hàng xuất gia còn phải vun bồi một căn bản nữa là Sa Di Luật Nghi, đó là căn bản của hàng xuất gia. Căn cơ không có thì làm sao có thể thành tựu? Chúng ta học Phật chớ nên lừa người, lừa người là có tội đấy!
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa (VLT 11), tập 25.
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *